Diễn ra từ 14 - 16/8, với sự tham dự của hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia công nghệ hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ…, 2 triển lãm này được kỳ vọng sẽ giúp nhân đôi cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp chế tạo máy móc và phụ tùng công nghiệp của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam, đơn vị tổ chức triển lãm khẳng định, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Với xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư cho các ngành sản xuất, lợi thế về nguồn nhân lực, địa chính trị, chính sách hỗ trợ ổn định của Chính phủ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang xây dựng các khu công nghiệp tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải gia tăng năng lực sản xuất để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trong và ngoài nước.
Dẫn chứng riêng về số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, tính riêng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án.
Điều đáng chú ý là có tới 70% các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư bày tỏ nguyện vọng mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Khảo sát của Jetro cũng cho thấy, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng, vật tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường Việt Nam tăng đáng kể từ năm 2010 đến nay và vượt thị trường Malaysia năm 2018.
Tuy nhiên, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội khẳng định, tỷ lệ này vẫn thấp so với một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia khiến các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu linh kiện chính từ thị trường nước ngoài.
“Trong bối cảnh đó, việc tạo cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản được kết nối cơ hội, hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tiềm năng của Việt Nam là điều kiện cần thiết. Với sự kết nối thông qua 2 triển lãm này, tôi tin rằng, Hà Nội và các vùng lân cận sẽ trở thành một trong những công xưởng sản xuất quan trọng nhất của khu vực ASEAN trong tương lai không xa”, ông Kitagawa nói.
Nhìn vào thực tế đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Daisuke Okabe, Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: “Trong số 1.800 doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam, có tới một nửa đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện trong ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò then chốt giúp các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”.
Trước đó, tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn VII diễn ra đầu năm nay, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai các nội dung nhằm phát triển mạnh nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, trong đó ưu tiên tập trung vào hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc, đào tạo nhân lực, lĩnh vực quản lý kinh doanh, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất.
Hiện, Dự án Liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Link SME-USAID) cũng đang tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2018 - 2023 với tổng ngân sách khoảng 22,1 triệu USD, hướng tới mục tiêu chọn lựa và hỗ trợ phát triển năng lực cung ứng cho các nhà cung cấp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cơ hội cung ứng cho các công ty đa quốc gia.