Thúc đẩy dòng vốn xanh vào nền kinh tế

Thúc đẩy dòng vốn xanh vào nền kinh tế

(ĐTCK) Ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn: Vừa đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, vừa đảm bảo cho nền kinh tế phát triển xanh, bền vững.

Hướng tới một nền kinh tế xanh

Biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Năm 2017 chứng kiến số lượng cơn bão kỷ lục (16 cơn) đổ bộ vào Việt Nam với sức gió ngày càng mạnh, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương.

Tình hình mưa lũ, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo tính toán, thiệt hại do thiên tai hàng năm tương đương 1 - 1,5% GDP.

Để ứng phó với những vấn đề này, Việt Nam đã chủ động xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật các kịch bản ứng phó với tình hình này. Trong Chương trình Nghị sự 21 được Chính phủ phê duyệt năm 2004 đã xây dựng cụ thể “Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam” và một nguyên tắc chính của Chương trình Nghị sự 21 được đưa ra là tăng cường bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

Chương trình Nghị sự 21 cũng xác định 19 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có 5 lĩnh vực về xã hội, 5 lĩnh vực về kinh tế, 9 lĩnh vực về nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Mục tiêu của Chương trình được xác định là tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến y tế, giáo dục, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.

Tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với mục tiêu phát huy nguồn lực của cả nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển nền kinh tế "các-bon thấp" nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất. 

 Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn tới năm 2050. Theo đó, chiến lược chỉ rõ vấn đề thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế.

Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành đã thực sự trở thành khuôn khổ pháp lý quan trọng về vấn đề bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường khẳng định việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn và khắc phục những tác động tiêu cực từ hoạt động của con người và thiên nhiên tới môi trường, khai thác và sử dụng bền vững, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Luật cũng ràng buộc trách nhiệm của các nhà đầu tư trong công tác phòng chống suy thoái môi trường và ô nhiễm khi họ thực hiện các dự án đầu tư ở bất cứ ngành và quy mô nào.

Trước yêu cầu tăng trưởng nền kinh tế phải gắn liền với các vấn đề bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh là yêu cầu đối với ngành ngân hàng với vai trò cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Ngành ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc

Vấn đề rủi ro môi trường - xã hội đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực của nó đến hoạt động ngân hàng nói chung, hoạt động tín dụng nói riêng, ngày càng trở nên nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động tín dụng.

 Nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên cung ứng vốn

Các dự án, phương án trở nên không hiệu quả, thua lỗ, thiệt hại do chịu ảnh hưởng của các vấn đề liên quan đến rủi ro môi trường và xã hội ngày càng tăng. Các vấn đề môi trường, xã hội phát sinh từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp rất có thể khiến cho doanh nghiệp sẽ phải chịu những rủi ro tổn thất liên quan về tài chính, cũng như trách nhiệm pháp lý và nguy cơ mất uy tín, giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

Hậu quả của quản lý không tốt rủi ro môi trường và xã hội có thể làm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động, tăng chi phí hoạt động do phải nộp phạt, bị mất thị phần do khách hàng “tẩy chay” sản phẩm của doanh nghiệp, giá trị tài sản của doanh nghiệp trên thị trường sẽ bị giảm sút. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể còn bị truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu vấn đề môi trường, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tất cả những vấn đề này trước hết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội; đồng thời tác động xấu đến cả các định chế tài chính đang là chủ nợ của doanh nghiệp. Hậu quả là sẽ phát sinh nợ xấu, đồng thời uy tín các tổ chức tín dụng là chủ nợ cũng sẽ bị giảm sút.

Thực tế, trong thời gian qua, đã có một số ngân hàng quan tâm đưa vấn đề này vào thực hiện trong quá trình xem xét, đánh giá, thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quản lý rủi ro môi trường - xã hội, vẫn coi trọng mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua hoặc xem nhẹ công tác quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng.

Vấn đề này khiến hệ thống ngân hàng phải thường xuyên đối mặt với rủi ro môi trường - xã hội, tác động tiêu cực tới thị phần hoạt động, cơ hội xâm nhập thị trường mới, khả năng tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước.

Các ngân hàng không thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội có thể phải đối mặt với tranh chấp pháp lý ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng, thậm chí danh tiếng, uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng từ những vụ kiện tụng của người dân liên quan đến dự án của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Những vấn đề nêu trên đang đặt ra cho hệ thống ngân hàng phải đặt yếu tố bền vững trong hoạt động quản trị rủi ro ngân hàng, hướng tới hệ thống ngân hàng xanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế xanh.

Thúc đẩy tín dụng xanh: Nhiệm vụ lớn của ngành ngân hàng

Là các định chế tài chính có vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, vừa đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và hội nhập, hướng tới một nền kinh tế xanh. Vai trò của ngân hàng ở đây được thể hiện qua các hoạt động cấp tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội:

Thứ nhất, ngân hàng đưa quản lý rủi ro về môi trường và xã hội vào làm một nội dung của hoạt động thẩm định đầu tư, cấp tín dụng đối với khách hàng; có chính sách khuyến khích đối với các khách hàng có dự án phát triển xanh, bền vững và kiên quyết không cho vay đầu tư đối với các dự án hủy hoại môi trường, sử dụng năng lượng lãng phí, gây hiệu ứng nhà kính.

Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án vay vốn là một trong các điều kiện để được các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cũng đã được luật hóa tại Điều 4, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Các ngân hàng cải thiện danh mục đầu tư, cấp tín dụng của mình thông qua việc đánh giá hệ thống các rủi ro môi trường - xã hội trong quy trình thẩm định đầu tư hay tín dụng. Bằng cách này, ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, cũng như bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Điều này không chỉ mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển kinh tế, mà còn mang lại lợi ích cho chính sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm thiểu rủi ro, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ thương hiệu trên thị trường.

Thứ hai, ngân hàng đang hướng tới cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới ở những ngành, lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế bền vững. Đây sẽ là những dịch vụ tài chính hỗ trợ sự ra đời của các sản phẩm và hoạt động thương mại mang lại lợi ích về môi trường - xã hội như tài trợ năng lượng tái tạo, tài trợ tiết kiệm năng lượng, tài trợ các quy trình và công nghệ sản xuất sạch hơn…

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, ngày 24/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với mục tiêu đặt ra ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo Chỉ thị, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh, quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thực hiện tăng trưởng xanh.

Chỉ thị cũng yêu cầu, phải tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện việc bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài việc tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội thông qua việc cải thiện các chính sách, nguồn lực, quy trình và thủ tục cấp tín dụng để tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường - xã hội và quản lý tín dụng; xem xét, đánh giá các rủi ro môi trường - xã hội tác động đến hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ của khách hàng khi thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng trên cơ sở các quy định hiện hành về môi trường - xã hội; thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ đối với việc quản lý rủi ro môi trường - xã hội; chủ động làm tốt công tác truyền thông về quản lý rủi ro môi trường - xã hội và chính sách tín dụng xanh của tổ chức tín dụng tới khách hàng nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận, doanh nghiệp đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh của tổ chức tín dụng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội đối với một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro môi trường - xã hội cao để làm cẩm nang cho tổ chức tín dụng cho vay.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay với nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tổ chức tín dụng, dẫn đầu là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã hưởng ứng và tích cực triển khai chương trình.

Qua việc ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước hướng tới việc tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các tổ chức tín dụng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đã và đang tiên phong trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tín dụng xanh đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu.

Các tổ chức tín dụng khi áp dụng hệ thống quản lý môi trường - xã hội sẽ cải thiện đáng kể chất lượng danh mục tín dụng nhờ có thể xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường - xã hội, kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng và rủi ro tài sản đảm bảo của từng khoản cấp tín dụng; mở rộng thị phần do có thêm các sản phẩm, dịch vụ mới thân thiện với môi trường (tài trợ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, các thị trường chưa khai thác…).

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cũng củng cố được mạng lưới khách hàng hiện có và thu hút các khách hàng mới chất lượng tốt; cải thiện danh tiếng và giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng nhờ giảm thiểu được rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý nếu liên đới đến các dự án hay hoạt động không tuân thủ các quy định về môi trường - xã hội, thu hút các nguồn vốn và các tổ chức tài chính quốc tế cùng định hướng hỗ trợ các hoạt động về môi trường và xã hội.

Tin bài liên quan