Thúc đẩy dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Khung pháp lý đã sẵn sàng

Thúc đẩy dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Khung pháp lý đã sẵn sàng

(ĐTCK) So với trước đây, khung khổ pháp lý về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hiện đã dần hoàn thiện, mở đường để hoạt động này phát triển hơn.

Từ tháng 11/2019, các các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ phải tuân thủ quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2019. Theo giới chuyên gia, những quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm vừa giúp đảm bảo an toàn hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm do hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ hơn, vừa không gây xáo trộn hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vốn đang sử dụng nhiều dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Thực tế, thị trường bảo hiểm càng phát triển thì sự tác động của dịch vụ phụ trợ đến hoạt động bảo hiểm cốt lõi càng tăng do xu thế chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đang được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sử dụng có thể kể đến như hoạt động tư vấn, đánh giá rủi ro, tính phí, giám định tổn thất, hỗ trợ giải quyết bồi thường... Tuy nhiên, vì thị trường lâu nay chưa có khung khổ pháp lý về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khiến doanh nghiệp khó khăn, lúng túng trong quá trình thực thi.

Chẳng hạn, trong hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, bản chất là dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng, nhưng vì chưa được quy định rõ ràng nên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất hiếm hoi.

Ðể dịch vụ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm có thể phát triển, theo vị này, Nhà nước cần luật hóa dịch vụ này, trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các doanh nghiệp cung cấp.

Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ nhằm đào tạo nhân sự tính toán tổn thất bảo hiểm, cũng như huy động được nguồn lực từ giới chuyên gia trong hỗ trợ tính toán tổn thất. 

“Việc quy định các nguyên tắc ứng xử cụ thể cho nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ mở đường cho các dịch vụ này phát triển”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh và chia sẻ thêm, Ðiều 93 - Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2019 về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định rõ, các cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân đều được quyền cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Theo đó, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm, thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc ở nước ngoài cấp; cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về tuân thủ pháp luật, đạo đức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về hành nghề tính toán bảo hiểm, tư cách thành viên của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế…

Trường hợp đến 1/11/2020, nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định, thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.

Ðược biết, trước đó, góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm sửa đổi, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đề xuất xem xét cho phép các công ty bảo hiểm thuộc các tập đoàn đa quốc gia sử dụng dịch vụ thuê ngoài từ chính các công ty cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong cùng tập đoàn nhằm tận dụng tối đa nguồn lực nội bộ.

Theo IAV, đối với thị trường đang phát triển như Việt Nam, việc có thể sử dụng các dịch vụ thuê ngoài, kể cả cho các quy trình cốt lõi từ các nhà cung cấp hàng đầu thế giới sẽ giúp các công ty bảo hiểm tại Việt Nam hạn chế được điểm yếu tại các lĩnh vực không phải là thế mạnh.

“Tất nhiên, khi thực hiện dịch vụ phụ trợ, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và chịu trách nhiệm cho các phần nghiệp vụ đã dùng dịch vụ thuê ngoài”, IAV nhấn mạnh.        

Tin bài liên quan