Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM
Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 10 và 10 tháng năm 2020, diễn ra vào chiều 3/11.
10 tháng gần 29.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2020 của thành phố ước đạt 290.783 tỷ đồng, đạt 71,65% dự toán.
Dưới tác động của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã kịp thời điều chỉnh mô hình kinh doanh, chuyển sang kinh doanh online, các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… và cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Trung ương và thành phố đã giúp ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó thu ngân sách của thành phố cuối quý 3 vừa qua, đầu quý 4 này có chiều hướng tăng trưởng tích cực.
Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách đều vượt mức 70% so với dự toán. Ước tính thu ngân sách của toàn Thành phố hết năm 2020 đạt 355.813 tỷ đồng, đạt 87,7% so với dự toán năm 2020, đạt 86,73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giải pháp thu ngân sách 2 tháng còn lại của năm 2020, bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; rà soát số liệu kê khai thuế trên hệ thống của cơ quan thuế nhằm phát hiện những doanh nghiệp có doanh số tăng nhưng số thuế nộp không tương ứng để kịp thời đôn đốc.
Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch để thu đối với các trường hợp đã hết thời hạn, được gia hạn giãn nộp thuế theo các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, thường xuyên tăng cường đấu tranh chống thất thu, hạn chế tình trạng nợ đọng thuế.
Riêng Cục Thuế thành phố phấn đấu hết năm 2020 giảm nợ thuế không vượt quá 5% so với tổng thu ngân sách Nhà nước còn Cục Hải quan phấn đấu thu hồi nợ đọng 120 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất bằng việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức bán đấu giá.
Về tình hình phát triển kinh tế chung của thành phố, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng đầu năm nay ước đạt 1.058.140 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ ngoái.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố ổn định, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 10 vừa qua đạt 2.712.500 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp trên địa bàn ước đạt 10.465 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ.
Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 19/10 vừa qua được Kho bạc Nhà nước Thành phố xác nhận là gần 23.800 tỷ đồng, đạt 56,4% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao.
Trong 10 tháng qua, có gần 33.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 770.000 tỷ đồng, tập trung ngành nghề kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy và xe có động cơ khác, xây dựng chiếm và có 28.993 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, đạt 727.488 tỷ đồng cho 248.180 khách hàng.
Giải ngân đầu tư công phải đi kèm cải thiện môi trường đầu tư
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng mặc dù không bị tác động nặng nề như ở “làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ nhất”, song dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội của Thành phố.
Đặc biệt, ngành du lịch với tổng lượng khách quốc tế trong 10 tháng năm 2020 chỉ đạt 1.303.750 lượt, giảm 81,3% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch trong 10 tháng cũng giảm 45,4% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, lượng khách nước ngoài tới Thành phố còn hạn chế, ông Phong cho rằng Sở du lịch nên đưa ra các gói kích cầu du lịch nội địa.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng khẳng định, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã rất nỗ lực để khôi phục sản xuất kinh doanh. Với gần 89% doanh nghiệp trong Thành phố là vừa và nhỏ, cũng là đối tượng bị tác động lớn nhất của “cơn bão Covid-19”, việc phục hồi này thể hiện sức sống mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM.
“Trong gần 29.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động thì có 7.113 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Con số này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của Thành phố”, ông Phong nói.
Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Phong yêu cầu các sở, ngành thống kê các đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 80% để phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân gắn với hoàn thiện môi trường đầu tư công và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Trong tổng số vốn đầu tư của TP.HCM, thì đầu tư công chỉ chiếm 13%, 70% đến từ nguồn vốn tư nhân, còn lại là đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, nhưng bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thì Thành phố cần phải nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tư nhân”, ông Phong nói.