Thúc đẩy đầu tư công Đồng bằng Sông Cửu Long: Cơ hội lớn cho Tracodi (TCD) phát triển dự án hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang ở những bước xem xét cuối cùng để được Chính phủ ban hành.
Thúc đẩy đầu tư công Đồng bằng Sông Cửu Long: Cơ hội lớn cho Tracodi (TCD) phát triển dự án hạ tầng

Đây sẽ là cơ sở để nhiều dự án đầu tư hạ tầng khu vực này được triển khai từ năm 2022 cũng là không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, mã chứng khoán TCD - sàn HOSE).

Quy hoạch nêu định hướng rất rõ rằng, đến năm 2050, Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là yếu tố đột phá phát triển hạ tầng giao thông.

Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt, ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km).

Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng.

“Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch nhấn mạnh.

Việc Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được ban hành sẽ tạo cơ sở để các dự án giao thông sớm được triển khai tại đây, cũng là không gian mới cho các doanh nghiệp có tham vọng trở thành nhà đầu tư phát triển dự án hạ tầng như Tracodi.

Hiện nay, Tracodi đang nghiên cứu, tham gia tài trợ quy hoạch cho nhiều dự án đường giao thông ở Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ. Trong đó có dự án xây dựng trục đường từ Long An đến Tiền Giang, qua TP Hồ Chí Minh dài 55 km (trong đó đoạn Long An dài 35 km, Hồ Chí Minh dài 5 km, và phần tại Tiền Giang dài 15 km, với tổng vốn đầu tư dự kiến 20.000 tỷ đồng). Hay dự án “Trục kết nối trung tâm TP. Sóc Trăng đến cảng Trần Đề”, có chiều dài 20 km, với thiết kế 8 làn xe và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.

Việc trực tiếp hoặc liên doanh trở thành chủ đầu tư các dự án hạ tầng lớn với TCD có nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, Tracodi có thế mạnh và kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực nhà thầu dự án giao thông. Hiện nay, TCD sở hữu năng lực thi công và quản trị dự án cấp I, chứng chỉ dành cho các nhà thầu đủ năng lực thi công các dự án hạ tầng quy mô lớn, có độ phức tạp cao.

Công ty cũng đã thi công hàng loạt dự án có quy mô lớn như nâng cấp, mở rộng ĐT 830 và ĐT 824 (BOT); đường tỉnh 839 - Long An; hệ thống hạ tầng kỹ thuật Đại học Quốc gia TP.HCM; đường nội bộ & hệ thống thoát nước Công ty MD Việt Nam; Hương lộ 29 - Ô Môn, Cần Thơ; khu tái định cư Tam Quang 2 – Núi Thành, Quảng Nam; đường Trục chính Khu Đô thị mới Tam Phú - Quảng Nam; nâng cấp Quốc Lộ 62 Long An; đường nối hầm Hải Vân - Túy Loan, Đà Nẵng…

Thứ hai, TCD hiện sở hữu 50% vốn trong liên doanh khai thác đá Antraco, doanh nghiệp sở hữu mỏ đá lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay.

Đá Antraco có độ cứng cao, chịu được cường lực lớn, phù hợp với các dự án đường giao thông trọng điểm. Antraco đã lập hồ sơ xin cấp phép trữ lượng giai đoạn 2, dự kiến nâng lên khoảng 50 triệu m³, đồng thời sẽ xin tăng công suất khai thác lên 2,5-3 triệu m³/năm.

Việc sở hữu mỏ đá lớn là ưu thế của TCD khi thi công, đầu tư các dự án hạ tầng có nhu cầu cao về đá xây dựng và cung đường vận chuyển thuận lợi.

Khai thác đá tại mỏ đá Antraco (An Giang)

Khai thác đá tại mỏ đá Antraco (An Giang)

Với các quy định mới về đầu tư dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP), những nút thắt trong các dự án hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn lớn được nhận định sẽ sớm được gỡ bỏ. Các địa phương có thể thu xếp nguồn vốn đối ứng chiếm 50% tổng vốn đầu tư trong các dự án bằng ngân sách địa phương hoặc có thể tạo quỹ đất đấu giá.

Trong hệ sinh thái của TCD có BCG Land, đơn vị chuyên nghiệp và có năng lực trong phát triển các dự án bất động sản, có thể tham gia vào các dự án phát triển bất động sản dựa trên quỹ đất đối ứng ở các địa phương…

Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển dài hạn đã đặt ra, TCD cần tăng quy mô vốn đủ để đáp ứng được tỷ lệ vốn đối ứng nhất định trong các dự án.

Hiện nay, Công ty đang thực hiện đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 1.750 tỷ đồng. Tăng vốn thành công sẽ giúp Công ty cải thiện cấu trúc tài chính mạnh mẽ, giảm bớt gánh nặng về lãi vay, tăng cường năng lực tài chính, từ đó có thể thực hiện được nhiều dự án quy mô lớn hơn.

Tin bài liên quan