Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tại hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 7/9.
Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn còn thấp
Ước tính đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển kinh tế tuần hoàn như Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên như Hà Lan, Đức, Pháp, Phần Lan…; Úc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Tại Việt Nam, năm 2021, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường dựa trên định hướng chung là thúc đẩy chuyển đổi xanh, thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn, khẳng định: “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, để thực hiện được kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một tiến trình dài hạn với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống để từng bước hình thành và vận hành các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế; đổi mới, sáng tạo trên cơ sở áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng mới, tạo lập các mô hình kinh doanh tuần hoàn mới, và các động lực giá trị mới cho nền kinh tế dựa trên các nguyên tắc, giải pháp của kinh tế tuần hoàn với tầm nhìn chia sẻ, học hỏi lẫn nhau.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kết quả khảo sát, điều tra (Nguyễn Hoa Cương và cộng sự, 2022) cho thấy, mức độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn tại các doanh nghiệp là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh theo 5 hình thức gồm: "Bán sản phẩm theo chức năng", "Từ gốc đến gốc", "Quản lý chuỗi cung ứng xanh', "Cộng sinh công nghiệp" và "Quản lý thu hồi" ở mức tốt chỉ chiếm 3% - 6%, tuỳ thuộc vào hình thức, trong đó hình thức đổi mới mô hình theo cách "Quản lý chuỗi cung ứng xanh" có tỷ lệ áp dụng cao nhất, chiếm 6,1%.
Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn theo sáu hình thức gồm: Sữa chữa và bảo trì, sử dụng và phân phối lại, tân trang và sản xuất lại, tái chế và thu hồi vật liệu, sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm và sử dụng nguyên liệu hữu cơ ở mức tốt dao động từ 3,3% - 5,5%, trong đó hình thức tái chế và thu hồi vật liệu có tỷ lệ áp dụng ở mức tốt cao nhất với 5,5%.
Phát biểu tại hội thảo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, Phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn nói riêng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".
Thực tiễn phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, TH Group, Nestlé, Coca-cola Việt Nam, Heineken Việt Nam... đã thiết kế các quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc theo hướng tuần hoàn.
Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp sớm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, là doanh nghiệp sản xuất trong ngành giải khát có sử dụng nhiều tài nguyên, Tân Hiệp Phát có trách nhiệm đưa kinh tế tuần hoàn vào một phần của tổ chức, đây cũng là kim chỉ nam hoạt động của tập đoàn. Do đó, Tân Hiệp Phát đã đầu tư công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới có tính tự động cao để đáp ứng yêu cầu triển khai kinh tế tuần hoàn gồm hiệu quả về kinh tế & tuần hoàn tối đa - dây chuyền sản xuất Nước giải khát công nghệ chiết lạnh Aseptic (GEA Procomac – Đức).
Mô hình 3R tại Tân Hiệp Phát. |
Tập đoàn còn đầu tư chuỗi công nghệ từ Washing - Extruder - Injection Molding để tái chế tuần hoàn nhựa PE, PP sản xuất pallet, thùng chứa rác,...đồng thời triển khai hệ thống quản trị số hóa tự động từ sản xuất tới cung ứng.
Bên cạnh đó, theo bà Phương, văn hóa lãnh đạo cũng rất quan trọng. Tập đoàn xác định tư duy lãnh đạo hướng tới lợi ích của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội; Khích lệ nhân viên vượt qua các giới hạn của bản thân để hoàn thiện và vươn lên cùng chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững...
Mô hình 3R đã giúp Tân Hiệp Phát cắt giảm hơn 70.000 tấn nhựa trong gần 10 năm (2013-2022), từ đó đặt mục tiêu giảm hơn 112.000 tấn nhựa vào năm 2027, tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, chung tay cùng các doanh nghiệp tái chế nhựa.
Kiến nghị giải pháp thúc đẩy
TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, theo đánh giá của các chuyên gia và phản ánh của các doanh nghiệp, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản. Nổi lên là nhận thức về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo; công tác thông tin, truyền thông về kinh tế tuần hoàn và kinh doanh tuần hoàn còn hạn chế; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu Khoa học công nghệ...
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về kinh tế tuần hoàn và có chính sách hoàn thiện. |
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương cho hay, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều thách thức như: Thói quen tiêu dùng, nhận thức về kinh tế tuần hoàn; khung pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện; Liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp tái phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế xã hội từng khu vực để triển khai tái chế hiệu quả về kinh tế.
Để thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, Tân Hiệp Phát kiến nghị cần đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức mang tầm quốc gia dành cho người dân về phân loại rác tại nguồn; mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về kinh tế tuần hoàn; Hoàn thiện luật, quy định, chính sách, hướng dẫn; Đưa ra thước đo về thực thi kinh tế tuần hoàn làm cơ sở hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn; Quy hoạch Khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế phục vụ một khu vực địa lý nhất định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu Phát triển Vinamilk cho hay, trong quá trình thực hiện Vinamilk nhận thấy chi phí cao, người tiêu dùng chưa thực sự đồng ý chi trả thêm chi phí phát sinh nếu có, chưa đồng bộ giữa các khâu dẫn đến chưa hoàn chỉnh quy trình tối ưu để ứng dụng kinh tế tuần hoàn Vinamilk kiến nghị cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là giáo dục trẻ em để hình thành nhận thức từ sớm; Chính phủ ban hành các chính sách xanh kịp thời, các quy định cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; tạo quy định chung để các công ty phải thực hiện theo một cách công bằng, nhất quán.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý truyền thông và đối ngoại cao cấp, Công ty Nestlé Việt Nam cho hay, Nestlé Việt Nam khuyến nghị cần tăng cường hợp tác đa bên để giảm thiểu chi phí, vận hành hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn. Khi doanh nghiệp đã có sự đầu tư thì cần cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống thu gom và xử lý đồng bộ.
Bên cạnh đó, cần hạn chế, ngưng sử dụng nhựa một lần toàn diện và hợp lý cho các nhóm sản phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, đẩy việc sử dụng nguyên liệu tái chế và hỗ trợ phát triển thị trường nguyên liệu tái chế.
“Ở Việt Nam để thực hiện kinh tế tuần chứa đựng cả những cơ hội và rào cản. Trong đó, có cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức, cá nhân ở trong nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ. Cùng với đó, cần có sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế trong việc gỡ bỏ các rào cản mang tính toàn cầu”, ông Võ Tuấn Nhân nói.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân kiến nghị, trong ngắn hạn Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống, sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương trong cụ thể hóa chủ trương này.
Trong dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy của kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh, pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường để hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các Bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp; pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để hướng đến đảm bảo "quyền được sửa chữa, cập nhật các sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm".