Với vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất triển khai chính sách, ngành kế hoạch và đầu tư cần nỗ lực kịp thời đề xuất và tập trung thực hiện các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Nửa cuối năm, GDP phải đạt 7,6%
Đánh giá về tình hình 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại; sản xuất - kinh doanh chưa phục hồi rõ nét; hoạt động của DN gặp khó khăn; xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu; biến động của môi trường, thời tiết và biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề; tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tác động không thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế trong nước.
Mặc dù vậy, những điểm sáng của nền kinh tế nửa đầu năm là kinh tế vĩ mô ổn định; hoạt động thu hút vốn FDI có kết quả tích cực, với số vốn thực hiện đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015; tăng trưởng GDP đạt 5,52% nhờ nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Khẳng định quyết tâm giữ vững tốc độ tăng trưởng của Chính phủ, nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm, ông Dũng cho biết, Chính phủ chủ trương không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu và chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, cũng như kêu gọi cộng đồng DN nỗ lực cao nhất để hoàn thành mục tiêu tăng GDP 6,7% năm 2016.
“Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn; kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi nhưng chậm và nhiều khả năng xuất hiện rủi ro tác động không khả quan đến kinh tế trong nước, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% là rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao khi còn rất ít dư địa để thực hiện nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa”, ông Dũng nói.
Thúc giải ngân đầu tư công
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, đòi hỏi nỗ lực cao nhất của các bộ ngành trong việc triển khai thực thi các nghị quyết đã ban hành. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên mọi mặt trận, trong đó tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của DN; tăng cường phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, cần tập trung đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nhằm tạo dòng vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Thừa nhận việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm chưa tốt, chậm trễ, chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra, do đó, trong nhóm giải pháp trọng tâm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đi đôi với việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng dự án và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Theo đó, các bộ ngành, địa phương phải chủ động rà soát tình hình triển khai thực hiện và giải ngân theo kế hoạch; đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm vốn các dự án triển khai chậm, điều chuyển bổ sung cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công hoàn thành theo đúng tiến độ và thời gian quy định.
“Việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án hiện nay còn bị buông lỏng, nhiều trường hợp xây dựng dự án với tổng mức đầu tư quá lớn, dư thừa công suất, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực. Đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành phải vào cuộc, sớm ban hành các tiêu chuẩn, định mức để làm căn cứ phê duyệt quyết định đầu tư. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư công. Công tác chuẩn bị đầu tư cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, để khi các dự án được bố trí vốn có khả năng thực hiện ngay, rút ngắn thời gian thực hiện và thi công dự án, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quyết định đầu tư”, Bộ trưởng mới đề xuất.
Tuy thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng các bộ ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần đầu tư tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tư tưởng thành tích, chạy theo phong trào. Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư công hạn chế, phải lựa chọn những dự án thật sự cấp bách, cần thiết để bỏ vốn. Đặc biệt, tư tưởng này phải được thể hiện trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Bên cạnh đó, trước hết phải tập trung xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho DN, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp; chỉ lựa chọn khởi công dự án mới thật sự cần thiết, có quy mô, công năng, cấp hạng phù hợp; cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng trước mắt là triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đề ra, trong đó tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng nhanh hơn nhưng bền vững hơn, kiểm soát được lạm phát, củng cố an ninh, an toàn xã hội...
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp, tổng lực, Bộ và toàn ngành kế hoạch đầu tư cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu tham mưu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần tập trung vào việc xây dựng và đề xuất thể chế chính sách nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
“Công lao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực này là không thể phủ nhận, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Thủ tướng yêu cầu toàn ngành và Bộ phải đổi mới tư duy hơn nữa, nhất là tư duy phát triển, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu về phát triển kinh tế, có trách nhiệm hoàn thiện thể chế, gỡ các nút thắt và thực thi tổ chức thực hiện”, ông Huệ cho biết.
Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ
Bên cạnh đó, cần triển khai quyết liệt Nghị quyết 60 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Tới đây, cần có hội nghị chuyên đề xem xét kỹ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thể chế, danh mục ra sao; công khai minh bạch, quản trị dự án như thế nào để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp huy động dòng vốn tiềm năng từ lĩnh vực này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội
Trong kế hoạch 2016 - 2020, Hà nội cần vốn đầu tư phát triển ước khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 20%; 80% trông cậy vào vốn đầu tư xã hội. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đơn giản hơn việc thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Bởi điều này giúp các địa phương trông đợi vào huy động vốn đầu tư xã hội như Hà Nội đạt được huy động theo kế hoạch.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được kế hoạch trong 6 tháng đầu năm có nguyên nhân một phần từ những bất cập tại các luật liên quan đến đầu tư công. Hiện nay, còn nhiều mâu thuẫn giữa các văn bản luật pháp trong lĩnh vực này với Luật Đầu tư công. Điển hình, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đánh giá tác động cần thực hiện ngay khi có chủ trương đầu tư, trong khi theo Luật Đầu tư công, khi chưa có chủ đầu tư thì không thể đánh giá tác động.
Ngoài ra, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng mâu thuẫn với Luật Đầu tư công. Đề nghị cần thống nhất quy định giữa các nghị định, đồng thời sớm ban hành một luật sửa nhiều luật để khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.