“Bí quyết” của Bộ Giao thông Vận tải
Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là đơn vị đi đầu về kết quả triển khai cổ phần hóa (CPH), khi CPH thành công số lượng khá lớn DN so với các bộ, ngành khác. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ GTVT đã CPH được 12 DN, trong đó có 10 tổng công ty.
Trong khi không ít DN thuộc nhiều ngành tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) rơi vào tình cảnh ế ẩm, cũng như trầy trật trong tìm kiếm cổ đông chiến lược, thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhiều DN ngành giao thông từ đầu năm đến nay CPH thành công và tìm được NĐT chiến lược, vì Bộ GTVT có cách làm riêng.
“Đó là lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo các DN xây dựng phương án CPH theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối tại các DN kinh doanh trong các lĩnh vực mà cổ đông nhà nước không cần sở hữu cổ phần chi phối, đồng thời kêu gọi các NĐT có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược.
Hướng đi này mang lại tác động tích cực trên thực tế, khi cổ đông nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối tại 9/10 tổng công ty CPH mới đây, 7/10 tổng công ty đã lựa chọn được cổ đông chiến lược”, ông Đông nói và cho rằng, trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, TTCK chưa thực sự khởi sắc, để CPH thành công thì DN phải tìm được cổ đông chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho họ trước khi thực hiện IPO.
Một lý do quan trọng khác khiến các DN ngành giao thông vận tải CPH thành công, theo ông Đông, là lãnh đạo Bộ GTVT luôn quyết liệt chỉ đạo theo hướng: nếu lãnh đạo các DN không hoàn thành nhiệm vụ CPH theo kế hoạch, thì sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân và có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc điều chuyển công tác. Cụ thể, năm 2013, Bộ GTVT đã điều chuyển, thay đổi Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8.
Đề cập về định hướng triển khai các phương án CPH tại các DN trong thời gian tới, ông Đông cho hay, để IPO và thu hút thành công cổ đông chiến lược bỏ vốn đầu tư vào DN CPH, lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo: với các DN hoạt động trong những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, thì dứt khoát xây dựng phương án CPH theo hướng giảm thiểu tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhà nước tại DN hậu CPH. Chẳng hạn, với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, cổ đông nhà nước không nắm giữ 51% vốn điều lệ, mà cao nhất chỉ là 35%.
Được làm chủ, NĐT mới “xuống” tiền
Kinh nghiệm từ Bộ GTVT cho thấy, chỉ khi cổ đông chiến lược, cổ đông ngoài nhà nước thực sự có cơ hội trở thành ông chủ mới tại DN, tiếng nói của họ có trọng lượng, thậm chí quyết định đến đường hướng sản xuất - kinh doanh tại DN hậu CPH, thì họ mới mặn mà bỏ vốn tham gia các đợt IPO. Còn nếu không, việc CPH DNNN thất bại là điều không khó hiểu. Kết quả các đợt IPO DNNN từ đầu năm đến nay đã chứng minh điều này.
“Việc duy trì tỷ trọng vốn nhà nước quá cao trong các đề án CPH DNNN thuộc những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, khi chỉ bán khoảng 25 - 30% cổ phần ra bên ngoài, thậm chí nếu trừ đi lượng cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ, công nhân viên, thì tại nhiều DN, tỷ lệ bán ra thị trường chỉ còn 15 - 20% là CPH không thực chất, rất không ổn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.
Theo ông Doanh, thực trạng trên không cho phép các cổ đông chiến lược có đủ tỷ lệ cổ phần để tham gia HĐQT, tác động vào nhân sự, chiến lược và quản trị của DN hậu CPH. Bởi vậy, họ sẽ không sẵn sàng bỏ tiền ra để mua cổ phiếu IPO, vì e ngại một khi họ không có tiếng nói quyết định tại DN, thì đồng vốn họ bỏ ra sẽ do bộ máy quản lý cũ tại DN định đoạt, tiềm ẩn nhiều rủi ro.