Thực chất hóa lợi ích từ thu phí ETC

0:00 / 0:00
0:00
Còn một tuần nữa là đến hạn chót cơ quan chức năng và nhà đầu tư các tuyến đường cao tốc có thu phí hoàn vốn phải hoàn tất triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn.
Thực chất hóa lợi ích từ thu phí ETC

Ngoài 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam quản lý, còn có 4 tuyến cao tốc khác do địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gồm Bắc Giang - Lạng Sơn; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn; Trung Lương - Mỹ Thuận; Liên Khương - Prenn) cũng sẽ phải hoàn thành theo thời hạn nói trên.

Trước đó, tại Thông báo số 186/TB-VPCP, ngày 27/6/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo, đến ngày 1/8/2022, tất cả tuyến cao tốc đang thu phí phải triển khai thu phí không dừng hoàn toàn.

Yêu cầu này của lãnh đạo Chính phủ đã được nâng lên ở mức rất cao so với trước đây, khi tất cả tuyến cao tốc sẽ chỉ còn làn thu phí ETC. Các phương tiện không dán thẻ định danh và không sử dụng dịch vụ thu phí ETC sẽ bị từ chối phục vụ, buộc phải đi trên các tuyến đường song hành kém tiện nghi, tốc độ thấp hơn; trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

Với chủ tuyến đường, nếu không hoàn thành việc lắp đặt hệ thống ETC thì sẽ bị dừng thu phí; lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý trách nhiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cần phải khẳng định rằng, việc thu phí ETC thay hình thức thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Hoạt động này còn giúp đẩy nhanh việc không dùng tiền mặt trong đời sống, trực tiếp phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Việc triển khai thu phí theo hình thức ETC đã được Quốc hội, Chính phủ quy định đầy đủ đi kèm yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Chính vì vậy, quyết tâm triển khai thu phí ETC hoàn toàn trên các tuyến cao tốc của Chính phủ không chỉ phá vỡ sự trì trệ trong phát triển hệ thống thu phí ETC trong suốt thời gian qua, mà còn chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của các đơn vị cơ sở đối với các chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Trên thực tế, việc thí điểm triển khai chỉ thu phí điện tử không dừng đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong 2 tháng vừa qua đã mang lại kết quả tích cực. Minh chứng là thời gian lưu thông trên tuyến được rút ngắn, giảm ùn tắc giao thông, số lượng chủ phương tiện dán thẻ định danh và sử dụng dịch vụ thu phí ETC tăng mạnh. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả của hệ thống thu phí ETC trong phạm vi toàn quốc.

Để việc triển khai thu phí ETC trên các tuyến cao tốc, tiến tới là trên tất cả tuyến đường có thu phí được thành công, bên cạnh nỗ lực của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), của chủ công trình, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương.

Trước mắt, người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương cần nêu gương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) theo chỉ đạo của Thủ tướng; không sử dụng hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt) kể từ ngày 1/8/2022.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ; khắc phục triệt để các lỗi kỹ thuật, nhất là lỗi nhận diện thẻ định danh tại trạm thu phí ETC; nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ….

Về phần mình, các chủ phương tiện cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ thực hiện trả phí không dừng là “ích nước, lợi nhà”.

Để thúc đẩy các dự án thu phí ETC đi đúng quỹ đạo, vấn đề quan trọng lúc này là Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần tham mưu để Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách cụ thể hơn, tạo hành lang pháp lý để vận hành thông suốt, trong đó có việc phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và phải cụ thể hóa, thực chất từng quyền lợi của các bên khi triển khai thu phí ETC, đặc biệt là của nhà đầu tư dự án BOO, BOT. Càng thực chất hóa lợi ích của việc sử dụng ETC, thì càng dễ vận động người dân tham gia thu phí tự động không dừng.

Thời hạn buộc tất cả các trạm thu phí BOT phải tổ chức thu phí không dừng vào cuối năm 2022 đang đến gần nên rất cần sự quyết đoán của các bên, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, mới có thể phá bỏ được sự trì trệ, “đứng bánh” trong triển khai thu phí ETC.

Tin bài liên quan