Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thúc các bộ, ngành phục vụ doanh nghiệp tốt hơn

(ĐTCK) Trong năm 2016, tuy tăng được 9 bậc, nhưng Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn thấp khi xếp thứ 82/190 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, nhiều tiêu chí xếp hạng rất thấp như: nộp thuế đứng thứ 167, giải quyết mất khả năng thanh toán xếp thứ 125, khởi nghiệp xếp thứ 121…

Thực tế trên cho thấy chặng đường cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh còn dài và nhiều thách thức ở phía trước. Ðể giúp người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hơn thành quả của nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Hội nghị tổng kết hoạt động của nhiều bộ, ngành trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại một yêu cầu với các bộ, ngành là phải tập trung rà soát lại cơ cấu tổ chức, để tinh gọn bộ máy.

Trực tiếp dự tổng kết năm 2016, bàn phương hướng năm 2017 của nhiều bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước…, Thủ tướng truyền tải thông điệp từng đơn vị phải kiện toàn bộ máy, bảo đảm hiệu quả, tinh gọn. Cán bộ phải có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao và chuyên nghiệp. Kiên quyết không để tình trạng lựa chọn bổ nhiệm sai, gây mất đoàn kết nội bộ và bức xúc dư luận. Cần đưa ra khỏi hệ thống những người kém năng lực, trì trệ, gây cản trở cải cách, đổi mới.

“Ðội ngũ chúng ta phải hành động quyết liệt, có trách nhiệm thì mới hoàn thành được những trọng trách mà Ðảng, Chính phủ đã giao phó cho ngành tài chính trong năm 2017…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc Thủ tướng trực tiếp tham dự và phát biểu chỉ đạo, thay vì thường là Phó thủ tướng phụ trách bộ, ngành là một nét mới trong hội nghị tổng kết hoạt động của các bộ, ngành năm nay. Ðiều đó cho thấy quyết tâm của Thủ tướng trong tạo chuyển biến sắc nét về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Như vậy, sau khi đã cơ bản hoàn tất bước đi lớn thứ nhất là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, lấy sự thành công của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, giải phóng sức sản xuất - kinh doanh trong dân còn tiềm năng lớn…, thông điệp nhất quán của Thủ tướng trong yêu cầu các bộ, ngành tinh giản bộ máy thể hiện bước đi lớn thứ hai trong quyết tâm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính từ cấp trung ương xuống địa phương trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Việc hoàn tất bước 1 về cải cách chính sách như trên đã khó, nhưng để triển khai bước 2 còn khó hơn gấp bội, bởi chưa bao giờ việc cải cách, “làm mới” tư duy và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước là đơn giản.

Tuy nhiên, như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo thì khó mấy cũng phải làm, bởi chính sách dù tốt đến mấy, nhưng nếu cán bộ không tốt, tổ chức chỉ đạo, triển khai không hiệu quả các chính sách đó, thì người dân, doanh nghiệp sẽ khó cảm nhận được “vị ngọt” của cơ chế tốt.

Tin bài liên quan