Thuận Đức (TDP) đứng trước thách thức chi phí đầu vào tăng mạnh

Thuận Đức (TDP) đứng trước thách thức chi phí đầu vào tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh được đánh giá sẽ là một thách thức với khả năng duy trì lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2021 của Công ty cổ phần Thuận Đức (mã chứng khoán TDP).

TDP vừa có một năm khá thành công, khi ghi nhận doanh thu 1.375,7 tỷ đồng, tăng 14,95% so với thực hiện 2019. Việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu. Biên lợi nhuận gộp của thị trường nội địa cũng tăng lên 14,67%, gấp đôi năm 2019.

Mặc dù các chi phí tài chính, quản lý cũng có xu hướng tăng, nhưng mức tăng tốt của lợi nhuận gộp cùng chi phí bán hàng được tiết giảm hơn 20,2% đã giúp Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 72,7 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%.

Dù mới hoàn thành hơn 95% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, nhưng đây vẫn được đánh giá là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Công ty.

Báo cáo tài chính của Thuận Đức cũng cho thấy dòng tiền kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, với việc thặng dư hơn 55 tỷ đồng, đảo chiều từ mức âm 105,6 tỷ đồng trong năm 2019, hỗ trợ đáng kể cho dòng tiền đầu tư của Công ty trong năm qua, đồng thời gia tăng lượng vốn tích lũy với số dư tiền và tiền gửi các loại đến cuối năm đã đạt hơn 101 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần đầu năm.

Năm 2021, triển vọng thị trường tiêu thụ của Thuận Đức được đánh giá khả quan trong bối cảnh nhu cầu bao bì cho thức ăn chăn nuôi và nông sản, những mảng khách hàng chính của Công ty được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhờ thời tiết tốt hỗ trợ các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu túi siêu thị cũng được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ việc tiêm vắc-xin trên diện rộng giúp dịch bệnh sớm được kiểm soát giúp các hoạt động tiêu dùng phục hồi. Tuy vậy, một vấn đề mà Thuận Đức cũng như các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt là xu hướng tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, cụ thể là hạt nhựa.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, giá PP, PE và PVC hiện đã tăng hơn gấp đôi so với giữa năm ngoái. Ba nguyên nhân khiến giá các nguyên vật liệu nhựa tăng mạnh: thứ nhất, giá dầu mỏ liên tục tăng cao thời gian qua đã kéo giá hạt nhựa gia tăng, bởi đây là chế phẩm sản xuất từ dầu mỏ; thứ hai, cuộc khủng hoảng vận tải với giá cước tăng cao đột biến trong thời gian ngắn; thứ ba là sự hồi phục mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, giá bột nhựa PVC trung bình trong 2 tháng đầu năm 2021 lên tới 1.085 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Sự đứt gãy nguồn cung do dịch bệnh Covid-19 nhiều khả năng sẽ giữ giá bột nhựa trên mức 1.000 USD/tấn cho năm 2021.

Cuối năm 2020, Thuận Đức có 354 tỷ đồng tồn kho nguyên vật liệu, tăng 30% so với đầu năm.

Đối với Thuận Đức, tính đến cuối năm 2020, hàng tồn kho đang là khoản mục có giá trị lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty, với giá trị 896,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm, chiếm gần 50% tổng tài sản. Trong đó, có 354 tỷ đồng tồn kho nguyên vật liệu, tăng 30% so với đầu năm 2020. Trong khi đó, giá trị tồn kho thành phẩm đã giảm 11,2% so với đầu năm.

Việc đẩy mạnh tích trữ nguyên vật liệu được đánh giá giúp Thuận Đức chủ động cho hoạt động sản xuất, giảm áp lực từ việc gia tăng chi phí nguyên vật liệu trong ngắn hạn.

Tuy vậy, giá trị tồn kho gia tăng, làm tăng nhu cầu vốn lưu động khiến Công ty phải đẩy mạnh vay nợ ngắn hạn, với giá trị đạt 931,3 tỷ đồng đến cuối năm 2020, tăng 17,6% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn tăng kéo theo chi phí lãi vay tăng đến 61,75% trong năm vừa qua, lên đến 80,4 tỷ đồng.

Với việc tổng nợ vay đến cuối năm đạt 1.053 tỷ đồng, gấp 1,67 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 57,6% nguồn vốn, chủ yếu là nợ ngắn hạn, Công ty sẽ cần sớm cải thiện dòng tiền, giảm phụ thuộc vào vốn vay để một mặt giảm bớt áp lực thanh khoản, mặt khác tiết giảm chi phí tài chính vốn đang bào mòn đáng kể lợi nhuận của Công ty.

Tin bài liên quan