Tăng cường trả nợ vay đầu tư
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thuận Đức đã công bố thông tin về việc triển khai phát hành hơn 7,55 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10% với giá 15.000 đồng/cổ phiếu - thấp hơn một nửa so với thị giá hiện tại là 32.900 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên ngày giao dịch ngày 6/10/2023).
Tổng số tiền Thuận Đức dự kiến sẽ thu về từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là hơn 113,29 tỷ đồng. Thay vì đem tiền bổ sung vốn, đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh như mục đích huy động vốn của hầu hết doanh nghiệp, Công ty cho biết sẽ sử dụng tiền để thanh toán các khoản nợ vay tại các ngân hàng và tổ chức tài chính; trong đó, Thuận Đức sẽ trả hơn 39,6 tỷ đồng cho VPBank, gần 20,4 tỷ đồng trả cho MB Bank và 53,2 tỷ đồng trả cho BIDV.
Bên cạnh kế hoạch trên, Thuận Đức còn dự kiến chào bán trái phiếu ra công chúng với giá trị tối đa là 300 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu này cũng dùng để trả các khoản nợ vay ngắn hạn để thực hiện mục tiêu giảm nợ ngắn hạn, chuyển sang nợ trung hạn.
Hai đợt huy động với tổng số tiền lên đến trên 400 tỷ đồng được dùng toàn bộ để trả nợ khiến thị trường đặt dấu hỏi về khả năng thanh toán nợ của Thuận Đức. Tính đến cuối quý II/2023, Công ty còn gần 2.554 tỷ đồng tổng nợ phải trả; trong đó hơn 80% (2.049 tỷ đồng) là nợ vay ngắn hạn.
Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng giám đốc Thuận Đức chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, đến hết quý III/2023, nợ vay ngắn hạn của Công ty là 2.230 tỷ đồng, tức tăng hơn 8% so với quý II. Thực tế, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng dần qua các năm.
Lý giải về vấn đề này, ông Sỹ cho biết, khi có cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và room phát triển ngành còn rộng mở, Thuận Đức đã đẩy mạnh công tác đầu tư trong thời gian ngắn bằng việc mở rộng quy mô thông qua việc đầu tư nhà xưởng, máy móc nhanh nhất có thể để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Chúng tôi cần có thêm nguồn vốn để đầu tư nên cần có các hợp đồng tín dụng với các ngân hàng. Việc chào bán cổ phiếu đã nằm trong kịch bản điều hành của Công ty, mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ vay. Điều đó đã được công bố cụ thể trong mục đích phát hành. Điều này hoàn toàn không phải do khó khăn về tài chính nên Công ty mới chào bán”, ông Sỹ lý giải.
Lãnh đạo Công ty cho rằng, Thuận Đức chủ trương giảm dần nợ ngắn hạn xuống do các thị trường lớn như Mỹ, EU vẫn đang duy trì lãi suất, lạm phát ở mức cao; đồng thời, trong thời gian qua diễn biến thị trường vốn trong nước cũng có nhiều biến động và dự báo chưa sớm ổn định.
Còn về phương án chào bán trái phiếu, Thuận Đức cho biết đã nộp hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và đang trong quá trình chờ cơ quan này xem xét. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trái phiếu còn tương đối ảm đạm và niềm tin của nhà đầu tư chưa quay trở lại, phương án phát hành trái phiếu của Thuận Đức dự báo không hề dễ dàng.
Dù vậy, ông Sỹ cho biết, đợt phát hành này là trái phiếu phát hành ra công chúng nên sẽ đa dạng nhà đầu tư có thể tham gia và phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Ngoài ra, trái phiếu có tài sản bảm đảm nên sẽ hấp dẫn hơn trái phiếu tín chấp. Do vậy, Công ty hy vọng kế hoạch sẽ có tính khả thi cao.
Theo phương án của Thuận Đức, tài sản đảm bảo cho trái phiếu trên là hơn 20,4 triệu cổ phiếu của các lãnh đạo và người nhà lãnh đạo Công ty, giá trị thẩm định ngày 2/8/2023 là gần 547,6 tỷ đồng. Riêng Chủ tịch Thuận Đức, ông Nguyễn Đức Cường đem hơn 16,6 triệu cổ phần sở hữu cá nhân với giá trị hơn 445,9 tỷ đồng ra đảm bảo.
Năm 2023 sẽ “lỡ hẹn” mục tiêu lợi nhuận
Công ty cổ phần Thuận Đức được thành lập năm 2007 tại tỉnh Hưng Yên, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm từ polypropylene, nổi bật là hạt nhựa tái chế và bao bì PP. Tháng 11/2018, cổ phiếu TDP lần đầu được giao dịch trên UPCoM, sau đó lên sàn HOSE và giai đoạn 2018-2021, doanh nghiệp luôn có kết quả kinh doanh năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, từ quý II/2022, lợi nhuận của Thuận Đức liên tục sa sút dù doanh thu vẫn có sự tăng trưởng. Đặc biệt trong quý II/2023, Công ty chỉ mang về hơn 7 tỷ đồng lãi sau thuế - mức lãi ròng hàng quý thấp nhất của Thuận Đức kể từ quý I/2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thuận Đức tiếp tục cho thấy tình hình kinh doanh kém khả quan khi doanh thu thuần dù tăng 16% lên 1.686,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn rơi mạnh đến 73%, xuống chỉ còn 15,1 tỷ đồng.
Thuận Đức cho biết, trong nửa đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu có sự suy yếu và chỉ bắt đầu hồi phục dần các đơn hàng vào quý III. Tuy nhiên, thị trường vẫn ổn định và phần nào bù đắp được phần hao hụt doanh thu xuất khẩu. Lợi nhuận bị ảnh hưởng nhiều do yếu tố lãi suất vay vốn trước đó tăng mạnh và tổng cầu các thị trường quốc tế không đạt như kỳ vọng.
Tiết lộ sớm về kết quả kinh doanh quý III năm nay, ông Bùi Quang Sỹ thông tin, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt 1.000 tỷ đồng; trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng hơn hai quý đầu năm, ước tính cả ba quý xuất khẩu được khoảng 450 tỷ đồng. Còn doanh thu nội địa quý III đạt gần 850 tỷ đồng, tính cả ba quý, doanh thu nội địa đạt gần 2.150 tỷ đồng. Tổng hợp lại, doanh thu luỹ kế ba quý đạt khoảng 2.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý III ước đạt khoảng 10 tỷ đồng và luỹ kế 3 quý đầu năm đạt trên 25 tỷ đồng.
Với kết quả này, Thuận Đức cho rằng, doanh thu năm 2023 của Công ty sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra là 3.932 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận không đạt kế hoạch (95 tỷ đồng) do tổng cầu thị trường giảm mạnh; thị trường xuất khẩu chưa tăng do lãi suất, lạm phát và chiến tranh. Ngoài ra, Công ty còn phải giảm giá bán để giữ thị trường, khách hàng và đảm bảo chỉ tiêu doanh thu nên lợi nhuận biên giảm so với kế hoạch.
Như vậy, kết quả kinh doanh năm 2023 có thể sẽ ngắt mạch tăng trưởng dài, năm sau cao hơn năm trước của Thuận Đức kể từ khi lên sàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng về bức tranh kinh doanh sáng sủa hơn vào giai đoạn 2024 - 2026 khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giai đoạn này trên 200 tỷ đồng/năm, vượt xa những con số hiện tại.