Đại Nội (Kinh thành Huế) là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại Nội (Kinh thành Huế) là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế nâng tầm thương hiệu du lịch di sản

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh di sản, văn hóa, ẩm thực, con người. Nhờ vậy, lượng khách trong nước và quốc tế đến với địa phương này khá ấn tượng.

Phát huy bản sắc

Tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với di sản văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh, đa dạng tài nguyên du lịch, con người thân thiện. Huế hiện có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 5 di sản của riêng Huế gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (năm 2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016); 2 di sản chung với các địa phương khác, gồm: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (năm 2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (năm 2017).

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh. Lịch sử đã tạo nên Huế, một vùng đất đặc biệt riêng có của Việt Nam.

Dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới chính là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế. Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1992 đến nay, Festival Huế đã trải qua 11 kỳ, tạo được dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, mang tầm quốc tế.

Festival Huế là một đại chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, hoành tráng, diễn ra trong thời gian dài gần nửa tháng vào các năm chẵn và các sự kiện được tổ chức liên tục ở nhiều địa điểm trên khắp TP. Huế và các vùng phụ cận. Ngoài những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế như Đêm Hoàng cung, Dạ tiệc Cung đình, Lễ ban sóc, Lễ đổi gác, Lễ tế giao, Lễ hội áo dài... Festival Huế còn có nhiều chương trình nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều nước tham gia biểu diễn như Pháp, Argentina, Anh, Ấn Độ, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mehico, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Australia...

Festival Huế không ngừng được đổi mới, mỗi kỳ thu hút hàng ngàn diễn viên cùng hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của hàng vạn người dân, du khách, cũng như góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá, với việc tổ chức thành công nhiều kỳ Festival Huế, đã góp phần phục vụ công tác mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa quốc gia.

Xác định du lịch là một trong những cực tăng trưởng khu vực Bắc miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động liên kết trong phát triển du lịch với Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Việc liên kết này tạo nên một cung đường, nhiều điểm đến, đặc biệt là sản phẩm du lịch được phát triển phong phú, đa dạng theo hướng con đường di sản.

Kiến trúc sư Trần Minh Tùng (Trường đại học Xây dựng) nhìn nhận, Festival Huế qua nhiều kỳ tổ chức đã tạo nên một thương hiệu du lịch hấp dẫn với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa hoàng gia của một triều đại phong kiến. Như vậy, trong những năm qua, Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong tháng 3/2024, khách du lịch đến địa phương đạt 313.163 lượt, tăng 110,87% so với tháng trước. Chỉ tính riêng trong tháng 2/2024, Huế ghi nhận 10 thị trường khách hàng đầu đến địa phương này, gồm Đài Loan, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Malaysia, Thái Lan, Italia, Australia, Hàn Quốc. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy du lịch Huế đã và đang tiếp tục giữ được “phong độ” và sức hút lớn đối các dòng khách quốc tế.

Chọn “con đường di sản” là sản phẩm du lịch đặc trưng

Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…

Xác định du lịch là một trong những cực tăng trưởng khu vực Bắc miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động liên kết trong phát triển du lịch với Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Việc liên kết này tạo nên một cung đường, nhiều điểm đến, đặc biệt là sản phẩm du lịch được phát triển phong phú, đa dạng theo hướng con đường di sản.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, HĐND, UBND tỉnh xác định lĩnh vực văn hóa giữ vai trò nền tảng tinh thần, động lực quan trọng để phát triển Thừa Thiên Huế.

Văn hóa luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, duy trì nhịp độ tăng trưởng, đạt kết quả tích cực. Sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế.

Chính vì thế, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh di sản, văn hóa, ẩm thực, con người Huế; khai thác, phát huy các lễ hội, loại hình văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân.

Đồng thời, Thừa Thiên Huế phát triển du lịch thông qua hình thức Festival bốn mùa với chuỗi hoạt động trải đều trong năm, tập trung vào từng chủ đề.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xem Festival Huế là một trong những hoạt động trọng điểm về văn hóa của quốc gia năm 2024; hỗ trợ công tác quảng bá cho Festival Huế tại các hội chợ, liên hoan nghệ thuật, sự kiện lớn do Bộ chủ trì; xem xét đưa một số hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch về tổ chức tại Huế… Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, ủng hộ tỉnh trong công tác xây dựng các hồ sơ di sản, di tích.

Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. “Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích, tỉnh đã tập trung đầu tư để thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản trên địa bàn. Các dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa được tập trung thực hiện”, ông Lưu cho hay.

Ông Lê Trường Lưu tin tưởng, nếu tỉnh được đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, thì đây sẽ là cú hích để phát triển du lịch tỉnh, cũng như cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Thừa Thiên Huế cần phát huy các giá trị di sản, tập trung phát triển kinh tế du lịch, kinh tế di sản. Nhìn nhận Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, văn hóa, Thủ tướng bày tỏ trăn trở làm sao quốc tế hóa được văn hóa bản sắc của Việt Nam ra các nước; dân tộc hóa tinh hoa của nhân loại vào đất nước Việt Nam. Nên chăng, công nghiệp văn hóa của Thừa Thiên Huế phải là hình mẫu để phát triển.

“Người Huế nhẹ nhàng, thân thiện, dễ nghe, dễ tiếp xúc, nhưng cũng rất thuyết phục, sâu lắng và rất Huế. Đây là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh ngay trong con người xứ Huế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Tin bài liên quan