Hai bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Báo Sóc Trăng.
Theo cáo trạng, Hưng và Khương là nhân viên kỹ thuật thị trường của Công ty Tập đoàn Lộc Trời (An Giang).
Khoảng giữa năm 2018, Hưng chơi chứng khoán quốc tế bị thua lỗ. Để có tiền nộp vào tài khoản, bị cáo nảy sinh ý định lấy tiền công ty nộp vào tài khoản. Bị cáo dự định đến khi chứng khoán ổn định thì rút tiền trả lại công ty.
Với ý định trên, từ tháng 5-11/2018, Hưng thu tiền của 8 đại lý rồi chiếm đoạt số tiền 5,5 tỷ đồng. Số tiền trên, bị cáo nộp vào 2 tài khoản chứng khoán số tiền 4,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại Hưng dùng để tiếp khách và mua vé số.
Tương tự, Khương cũng chơi chứng khoán quốc tế và thua lỗ. Bị cáo thu tiền của đại lý để chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng.
Theo quy định, hàng tháng ban lãnh đạo chi nhánh chỉ đạo kế toán lập bảng xác nhận nợ của các đại lý rồi giao cho nhân viên thị trường đưa cho đại lý. Hưng và Khương đã tự ký tên vào mục xác nhận khách hàng.
Đến khi bị nhắc nhở thu hồi nợ, các bị cáo nại lý do nông dân mất mùa, đại lý xây nhà nên chưa thu hồi công nợ. Sau đó, các lãnh đạo chi nhánh phát hiện hành vi khuất tất của cả hai và tố cáo lên cơ quan điều tra.
Năm 2020, tòa sơ thẩm xử phạt Hưng 18 năm tù, Khương 15 năm tù. Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Hưng còn đề nghị thay đổi tội danh sang tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tòa phúc thẩm không chấp nhận vì cho rằng khoản 2, Điều 352 Bộ luật Hình sự quy định “người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do hợp đồng, hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương… và có quyền hạn nhất định khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Công ty Lộc Trời ký hợp đồng không xác định thời hạn với bị cáo Hưng. Việc bị cáo nại ra là không nhận được quyết định hay bảng mô tả công việc là không có cơ sở chuyển tội danh.
HĐXX phúc thẩm cũng nhận định các bị cáo phạm tội nhiều lần, mức hình phạt tòa sơ thẩm áp dụng là tương xứng, nên không có căn cứ để giảm nhẹ.