Thua lỗ lớn, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý "đánh bạc, gỡ gạc"

Thua lỗ lớn, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý "đánh bạc, gỡ gạc"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tượng chung là ban đầu chỉ lỗ một phần, nhưng sau đó họ lại đem khoản lỗ ấy đi “gamble” (trò may rủi) thì sẽ cháy nốt phần còn lại.

Các khối phân tích đang “việt vị” khá nhiều khi mà bối cảnh thị trường và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng chịu biến động, nhiều công ty chứng khoán phải thường xuyên thay đổi các dự báo về VN-Index, về kết quả kinh doanh. Theo đó, với những nhà đầu tư có thói quen chỉ dùng báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, các đơn vị dự báo để ra quyết định đầu tư sẽ bối rối trong năm nay.

Đặt vấn đề này trong chương trình Bí mật đồng tiền số 48, ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ, ngay ở trên thế giới, những dự báo về S&P 500 cũng thay đổi liên tục, có khi là hàng tuần, hàng tháng. Do đó, ở Việt Nam, những dự báo như VN-index chạm mốc 1.400 - 1.500 cũng chỉ mang tính tham khảo, vì cũng sẽ thay đổi liên tục.

Đối với các nhà đầu tư bình thường, sẽ dùng nhiều thời gian để xem các báo cáo phân tích về doanh nghiệp, trong đó có đưa ra những dự báo về lợi nhuận. Trong tình hình như hiện tại, mọi thứ diễn biến nhanh và bất thường, xác suất không đúng hoặc là sai so với thực tế của các dự báo là điều sẽ xảy ra.

"Có một cách để nhà đầu tư vượt qua điều đó, đó là chúng ta không cần quan tâm quá nhiều vào các con số cụ thể, ví dụ như dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp là bao nhiêu tỷ, mà quan tâm xem là dự báo của các công ty chứng khoán đang đi theo hướng nào, có phải là dự báo số đang giảm so với cùng kỳ, hay là họ đang liên tục hạ dự báo xuống", ông Hưng khuyến nghị.

"Có nghĩa là nên nhìn vào “trend” để hiểu tình hình kinh doanh của công ty đó có tích cực hay không tích cực, nếu đó là xu hướng xấu thì nhà đầu tư nên có hành động phù hợp", ông Hưng chia sẻ thêm.

Về việc dùng P/E để ra quyết định về điểm mua, điểm bán trên thị trường, theo ông Hưng, trong những báo cáo chiến lược đều vẽ đường P/E mang tính tham khảo, đâu là mức thấp nhất trong lịch sử, cũng như đâu là mức cao nhất trong giai đoạn này. Từ đó, tính các chỉ số trung bình cũng như trung vị.

Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng P/E để đầu tư thì rất khó, bởi thường chỉ số mà nhà đầu tư yêu thích là P/E forward, thì cần phải chắc chắn dự báo đúng phần E (Earning). Chẳng hạn, các thông số từ công ty chứng khoán, nhà phân tích đang dự báo sai E - over estimate là E ở giá trị lớn, thì chỉ số P/E lúc này không đúng. Khi các số liệu thực tế được công bố với mức E nhỏ hơn nhiều so với dự tính, thì chỉ số P/E lúc đó cao hơn nhiều mức dự tính.

"Kết quả đó hoàn toàn đắt ở thời điểm hiện tại, cho nên dùng 1 chỉ số là không hợp lý khi để đưa ra quyết định đầu tư", ông Hưng nói.

Hãy như một thủ môn trong vai trò quản trị rủi ro

Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ về giai đoạn 2007, chính bản thân ông đã từng sử dụng margin rất nhiều, bởi khi thị trường uptrend thì việc dùng đòn bẩy mang lại lợi nhuận cao. Chính điều đó đã mang lại kinh nghiệm lớn cho nhiều nhà đầu tư từng trải thông qua câu chuyện giá trị lớn mà quay về mức 0.

Ông Hưng cho biết, mình là người luôn giữ vị trí thủ môn. Thủ môn trong đầu tư giống như quản trị rủi ro, không một đội bóng nào có thành tích tốt nếu không có thủ môn giỏi và mắc ít sai lầm. Bởi trong quản trị rủi ro mà mắc sai lầm thì ngay cả khi người thủ môn đó giỏi, cứu được rất nhiều bàn thua trước đó, nhưng chỉ cần 1 sai lầm, thì cả thế giới sẽ quay qua chỉ trích, bởi chính là nguyên nhân gây ra thua cuộc.

Từ những kinh nghiệm cá nhân của mình, ông Hưng cho rằng, được làm thủ môn trong những trận đá bóng thuở bé đã giúp bản thân ông khá nhiều trong việc hạn chế mắc sai lầm trong những quyết định đầu tư sau này.

Trả lời câu hỏi, liệu cách đầu tư như ông Hưng có phải là quá an toàn và hạn chế khả năng “bội thu” từ thị trường, ông Hoàng Thanh Tùng, Chuyên gia tài chính từ Singapore, là một nhà đầu tư chưa bao giờ cháy tài khoản cho rằng, với kinh nghiệm bản thân từng làm việc cho nhiều quỹ ngay từ khi mới ra trường, sẽ không thể xảy ra việc cháy tài khoản được. Các quỹ có các nguyên tắc rất nghiêm ngặt.

Chẳng hạn, danh mục đầu tư giảm bao nhiêu phần trăm, thì tương đồng với đó là phải giảm size (quy mô), tức là giảm vị thế của danh mục đó đi. Quỹ sẽ có những ngưỡng, ví dụ như danh mục giảm 15% thì họ sẽ cắt size 30%, còn khi down 20 - 25% thì cắt size một nửa, còn khi down về 30-35% thì size về 0, nghĩa là có thua lỗ và không thể phục hồi lại được, nhưng chắc chắn là không ”cháy” tài khoản.

Còn đối với danh mục cá nhân, thường nhà đầu tư bị “cháy” vì nghĩ về khoản lỗ trước đó nhiều quá, chẳng hạn một người đầu tư 1 tỷ đồng, lỗ 400 triệu đồng, họ không ngừng nghĩ về 400 triệu đã mất đi, hay kinh khủng hơn 1 tỷ đồng, mà chỉ còn 100 triệu đồng, hệ luỵ của việc nghĩ về số lỗ nhiều thì họ sẽ tìm cửa đặt để gỡ chỗ lỗ ấy, nhưng cửa đặt đó lại không phải 50/50 mà là 1 ăn 2, 1 ăn 3, 1 ăn 5. Với những cửa mà tỷ lệ sinh lời cao như thế, thì xác suất để trúng cũng rất thấp.

Ông Tùng cho biết thêm, hiện tượng chung là ban đầu chỉ lỗ một phần, nhưng sau đó họ lại đem khoản lỗ ấy đi “gamble” (trò may rủi) thì sẽ cháy nốt phần còn lại. Theo ông Tùng, trong hoàn cảnh đó, nhà đầu tư nên rút phần tiền còn lại ra, bình tĩnh để đầu tư lại, dần dần sẽ lấy lại niềm tin và sự tự tin khi đầu tư.

Lỗ là đau thương, nhưng hãy xem nó như là học phí chúng ta phải trả cho một bài học, không nên vứt số tiền còn lại một cách vô tội vạ”, ông Tùng nói và cho biết, lợi nhuận kỳ vọng của thị trường chỉ đâu đó khoảng 20% và nên chọn những cổ phiếu mang lại lợi nhuận cửa thắng - cửa thua là 50/50 hoặc 60/40.

Tin bài liên quan