Thua lỗ liên tục, lãnh đạo bán cổ phiếu, trông chờ gì từ Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS)

0:00 / 0:00
0:00
Trái với kết qua kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, Ban lãnh đạo CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (Quang Binh JSC, mã QBS) liên tục bán ra 14,3% vốn điều lệ tại DN kể từ đầu năm 2021.
Trụ sở của công ty Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình - Quang Binh JSC

Trụ sở của công ty Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình - Quang Binh JSC

Sau 2 năm liên tục thua lỗ (năm 2019 lỗ 174,3 tỷ đồng, năm 2020 lỗ gần 98 tỷ đồng), Quang Binh JSC có dấu hiệu lãi trở lại trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, trong quý I/2021 lãi gần 2,1 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ lũy kế đã giảm từ 93 tỷ đồng về còn 90,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ ngày 19/1 đến 8/4/2021, cổ phiếu QBS đã trải qua chuỗi tăng gần 117%, lên 4.700 đồng/cổ phiếu và sau đó có dấu hiệu điều chỉnh. Tính theo giá ngày 9/7, cổ phiếu QBS giao dịch giá 2.900 đồng và vẫn cao hơn vùng đáy đầu năm là 33,6%.

Trùng hợp giai đoạn doanh nghiệp có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ, cũng như giá cổ phiếu trên đà hồi phục mạnh, nhiều lãnh đạo của Quang Binh JSC đã đồng loạt bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu.

Trong danh sách cổ đông nội bộ bán ra có ông Hoàng Văn Hưng, Tổng giám đốc, bán ra tổng cộng hơn 1,9 triệu cổ phiếu; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc, bán ra 5 triệu cổ phiếu... Tính lũy kế từ đầu năm tới nay, nhóm cổ đông nội bộ đã bán ra hơn 9,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,3% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Được biết, tính tới ngày 31/3/2021, doanh nghiệp có 2 cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT sở hữu 13,27% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thanh Bình sở hữu 7,21% vốn điều lệ, còn lại là cổ đông khác sở hữu 79,52% vốn điều lệ. Tuy nhiên, ngày 20/5/2021, ông Bình đã bán ra toàn bộ cổ phiếu, doanh nghiệp chỉ còn lại một cổ đông lớn là bà Hương và cổ đông khác sở hữu tới 86,73% vốn điều lệ. Như vậy, đa phần cổ phiếu đang trôi nổi bên ngoài thuộc về nhóm cổ đông nhỏ.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, doanh nghiệp đã thông qua Tờ trình thoái toàn bộ 43,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 98,63% vốn điều lệ tại CTCP Cảng cạn Quảng Bình - Đình Vũ (ICD Quảng Bình - Đình Vũ). Được biết, doanh nghiệp đã góp vào công ty con là 432 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong năm 2021 và ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm đối tác để đàm phán, quyết định giá trị chuyển nhượng…

ICD Quảng Bình - Đình Vũ có tổng diện tích 26 ha tại KCN Đình Vũ - Hải Phòng và là dự án trọng điểm của Quang Binh JSC trong lĩnh vực logistics, là một trong những dự án cảng nội địa lớn nhất Hải Phòng và khu vực miền Bắc với vị trí tương đối thuận lợi.

Doanh nghiệp cho biết, cảng bắt đầu xây dựng quý I/2016, vận hành thương mại giai đoạn I vào quý III/2016, vận hành thương mại giai đoạn II vào quý III/2018 và đặc biệt năm 2019, hàng hóa chính thức được làm thủ tục hải quan thông quan tại cảng.

Trong năm 2020 chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, hoạt động tạm nhập tái xuất, dịch vụ kho bãi chịu tác động tiêu cực dẫn tới doanh thu giảm.

Có thể thấy, mặc dù đưa vào vận hành thương mại tại cảng ICD Quảng Bình - Đình Vũ, nhưng đóng góp vào cơ cấu doanh thu vẫn chưa đáng kể. Doanh nghiệp chia sẻ, do cảng mới đi vào hoạt động nên phải cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics lâu đời, việc tìm kiếm nguồn hàng cũng là trở ngại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đánh giá tiềm năng cảng trong dài hạn.

Mặc dù đánh giá tiềm năng trong dài hạn, nhưng Quang Binh JSC bất ngờ lên kế hoạch bán toàn bộ vốn tại dự án, đồng nghĩa với việc nếu thoái thành công sẽ không còn lợi ích sau này nếu cảng phát triển mạnh và thu hút được nhiều khách hàng.

Được biết, ICD Quảng Bình - Đình Vũ mới trong giai đoạn đầu vận hành. Trong giai đoạn đầu tư ban đầu với nhu cầu vốn lớn đã thực hiện, hiện tại chủ yếu là vận hành và thu hút lượng khách hàng tới cảng. Nếu như việc thu hút hãng tàu cập bến thành công, doanh nghiệp sẽ rất nhanh chóng tạo ra dòng tiền đều như cách các công ty khai thác cảng hiện nay đang làm và từ đó tăng giá trị cảng trong mắt nhà đầu tư bên ngoài.

Với việc thoái toàn bộ vốn trong thời điểm hoạt động kinh doanh tại cảng vẫn chưa khởi sắc, cũng như lượng khách hàng chưa lớn, có thể dẫn tới giá thoái vốn thấp hơn nhiều so với tiềm năng dài hạn.

Có thể thấy, với việc bán đi tài sản lớn chiếm tới 35,1% tổng tài sản, doanh nghiệp chỉ còn lại 2 lĩnh vực chính là thương mại phân bón và thương mại hóa chất. Trong những năm qua, hoạt động hai lĩnh vực này có dấu hiệu bão hòa và không tạo ra lợi nhuận, dẫn tới 2 năm lỗ liên tục của Quang Binh JSC. Giới đầu tư đều đặt kỳ vọng lĩnh vực khai thác cảng có thể giúp doanh nghiệp khởi sắc trở lại và là động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, với việc thoái toàn bộ lĩnh vực khai thác cảng, nhà đầu tư sẽ đặt dấu hỏi lớn về đâu là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp này trong những năm tới.

Tin bài liên quan