VNG có 4 mảng kinh doanh chính gồm game, Zalo, thanh toán trực tuyến và doanh nghiệp số

VNG có 4 mảng kinh doanh chính gồm game, Zalo, thanh toán trực tuyến và doanh nghiệp số

Thua lỗ, kỳ lân VNG vẫn mạnh tay đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Công ty cổ phần VNG (mã VNZ) đã phân công, giao nhiệm vụ cho ông Wong Kelly Yin Hong, Phó tổng giám đốc VNG hỗ trợ công tác điều hành, nhưng đến ngày 12/9/2024 vẫn khẳng định Tổng giám đốc (CEO) Lê Hồng Minh đang tại nhiệm.

Không còn là start-up non trẻ…

Sau khi lực lượng công an đến thanh tra, VNG công bố, hoạt động của Công ty vẫn diễn ra bình thường, doanh nghiệp tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng, nhưng không cho biết nội dung thanh tra là gì.

VNG được thành lập năm 2004 với tên gọi Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame). Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD, theo World Start-up Report, trở thành “kỳ lân” đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 28/12/2022, cổ phiếu phổ thông của VNG được phê duyệt giao dịch trên thị trường UPCoM, ngày giao dịch đầu tiên là 5/1/2023.

Tính đến ngày 30/6/2024, VNG có vốn điều lệ 358,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.680 tỷ đồng. Công ty có 3.538 nhân viên, tập trung vào 4 mảng kinh doanh chính gồm trò chơi trực tuyến, Zalo, thanh toán trực tuyến và doanh nghiệp số.

Cổ đông lớn nhất tại VNG là VNG Limited, với tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ; tiếp theo là Công ty cổ phần Công nghệ BIGV (17,84%), ông Lê Hồng Minh (8,85%), ông Vương Quang Khải (4,99%).

Về VNG Limited, theo hồ sơ đăng ký phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market mà công ty này gửi đến Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2023, doanh nghiệp có trụ sở tại quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh), với các cổ đông lớn gồm ông Lê Hồng Minh, ông Vương Quang Khải, Tencent (Trung Quốc), Quỹ đầu tư GIC (Singapore) và Ant Group (Trung Quốc). Trong đó, ông Minh và ông Khải đồng thời là nhà sáng lập của cả VNG và VNM Limited.

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2024, SEC công bố, VNG Limited quyết định chưa chào bán cổ phần ra công chúng nên đã rút hồ sơ IPO tại Mỹ.

VNG Limited có 2 loại cổ phiếu, gồm cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Với một cổ phiếu loại A, người nắm giữ có một quyền biểu quyết, trong khi một cổ phiếu loại B có 10 quyền biểu quyết. Cổ phiếu loại A không có quyền quy đổi thành loại B và ngược lại.

Hai loại cổ phiếu này được phát hành cho hai nhóm cổ đông riêng biệt là các cổ đông nước ngoài và Ban lãnh đạo VNG Limited. Trong đó, ông Lê Hồng Minh sở hữu 12,6 triệu cổ phiếu loại B và ông Vương Quang Khải sở hữu 1,68 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết tại VNG Limited lần lượt là 45% và 6%. Tencent sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 23,2% quyền biểu quyết; GIC nắm giữ 15,2 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 5,4% quyền biểu quyết; Ant Group sở hữu 7,77 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 2,8% quyền biểu quyết tại VNG Limited.

Quay trở lại với VNG, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Võ Sỹ Nhân; các thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Lê Hồng Minh, ông Vương Quang Khải, ông Edphawin Jetjirawat và bà Christina Gaw.

Về việc VNG phân công, giao nhiệm vụ cho Phó tổng giám đốc Wong Kelly hỗ trợ Tổng giám đốc Lê Hồng Minh điều hành Công ty, VNG cho biết, ông Minh vẫn đảm nhận vị trí CEO, nhưng không điều hành trực tiếp mà ủy quyền cho ông Wong Kelly thay mình điều hành hoạt động doanh nghiệp.

Ban giám đốc VNG khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Wong Kelly trên cương vị mới, đảm bảo các hoạt động của Công ty tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.

Ông Lê Hồng Minh trong một chia sẻ mới đây nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập cho biết, VNG không còn là một công ty start-up non trẻ, mà đã là một công ty công nghệ lớn, doanh thu năm 2023 gần 10.000 tỷ đồng (gấp 5 lần so với năm 2014), với hơn 4.000 starter làm việc ở 14 văn phòng trên thế giới. Các mảng kinh doanh chủ lực gồm game, Zalo, thanh toán trực tuyến, doanh nghiệp số đang phục vụ hơn 100 triệu người dùng cá nhân và hàng chục ngàn khách hàng doanh nghiệp.

… nhưng từ năm 2022 đến nay lỗ lớn

Năm 2022, VNG lỗ 1.533 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 2.317 tỷ đồng, nửa đầu năm 2024 lỗ thêm 585,7 tỷ đồng.

Năm 2024, VNG đặt kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 11.069 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 150 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét nửa đầu năm 2024 của VNG cho thấy, trong kỳ, Công ty đạt doanh thu hơn 4.313 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế âm 585,7 tỷ đồng (tăng hơn 65 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập).

VNG lý giải, khoản lỗ sau thuế kỳ này chủ yếu do thay đổi trong chính sách kế toán từ năm 2023 liên quan đến việc ghi nhận doanh thu trò chơi trực tuyến trên cơ sở hệ thống đã cho phép theo dõi và ghi nhận số liệu người chơi một cách chi tiết. Theo đó, trong năm 2023 và năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu chưa thực hiện cho phần nghĩa vụ chưa hoàn thành đối với người chơi. Việc thay đổi trong chính sách kế toán này được áp dụng từ ngày 1/1/2023 trên cơ sở phi hồi tố. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh thu và lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ trước tăng mạnh, đồng thời dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ này là con số âm.

Về khoản lỗ sau thuế tăng thêm 65 tỷ đồng sau khi kiểm toán, VNG cho biết, chủ yếu là do các khoản điều chỉnh giảm liên quan đến lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện và điều chỉnh giảm liên quan đến tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại dẫn tới tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.

Trước đó, VNG có 2 năm liên tiếp thua lỗ: năm 2022 VNG lỗ 1.533 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 2.317 tỷ đồng (nguyên nhân lỗ năm 2023 phần lớn đến từ việc thay đổi trong chính sách kế toán)

Mặc dù thua lỗ kéo dài, nhưng VNG vẫn mạnh tay đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Trong quý I/2024, VNG hoàn tất góp thêm vốn vào Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) để tăng tỷ lệ sở hữu từ 72,654% lên 73,758%. Ngày 9/5/2024, VNG hoàn tất mua thêm 26,24108% tỷ lệ sở hữu trong Zion từ một cổ đông hiện hữu của Zion, với tổng giá mua hơn 1.234,4 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tại Zion của VNG tăng từ 73,758% lên 99,99908%. Đến ngày 16/5/2024, VNG nâng tỷ lệ sở hữu tại Zion lên 99,99914%.

Tính đến ngày 30/6/2024, các khoản vay và nợ thuê tài chính của VNG là 2.030 tỷ đồng (ngắn hạn là 1.435 tỷ đồng, dài hạn là 595 tỷ đồng). Trong đó, vay ngắn hạn Vietcombank - chi nhánh TP.HCM hơn 997 tỷ đồng, Ngân hàng The Hongkong Corporation Limited - chi nhánh Singapore hơn 253 tỷ đồng; vay dài hạn Ngân hàng Hàng hải Việt Nam - chi nhánh Tân Bình hơn 439 tỷ đồng, Vietcombank - chi nhánh Tân Sài Gòn hơn 194 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Minh chia sẻ, ông nuôi giấc mơ đưa VNG trở thành công ty game toàn cầu, Zalo sẽ tiếp tục thay đổi toàn diện cuộc sống của hơn 100 triệu người Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (Cloud) giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Kỳ vọng, ở sinh nhật ở lần thứ 30, VNG sẽ trở thành một công ty AI.

Tin bài liên quan