Ngõ Lò Lợn bây giờ, Ảnh: Thúy Hằng
Giờ thì Lò Lợn được đánh số thay cho đặt tên - ngõ số 459, không biết có phải do cái tên cũ hơi “kỳ kỳ” hay không. Cái tên Lò Lợn chỉ còn trong cách nói truyền miệng. Ngõ 459 có một cái chợ cóc đầu ngõ, họp thường xuyên, gây tắc nghẽn giao thông, bây giờ công an, trật tự phường lúc nào cũng có mặt tại đầu ngõ để sẵn sàng dẹp chợ.
Đối diện với ngõ Lò Lợn là ngõ Giếng Mứt. Người dân địa phương phủ nhận chuyện từng có nghề làm mứt trong con ngõ này. Mứt - là cách người ta gọi những giếng khơi lúc nào cũng ngọt ngào, đầy ăm ắp nước.
Ngõ Giếng Mứt hiện nay, Ảnh: Thúy Hằng
Chị Thủy, người bán nước chè trong ngõ cho chúng tôi hay, trước đây trong ngõ nhà nào cũng có một cái giếng khơi, đào trúng mạch nên nước đầy quanh năm, để nấu ăn, pha trà đều tuyệt vời. Nhà chị Thủy cũng có một cái giếng nước ngon nhất nhì trong vùng. Cho đến những năm sau này, dân kéo về ùn ùn, đất chật, người đông, những chiếc giếng đành bị san lấp phục vụ cho xây dựng nhà cửa. Cái tên Giếng Mứt vẫn còn, gợi nhớ những năm tháng xa xưa.
Từ Giếng Mứt đi xuôi xuống vài chục mét, sẽ thấy bên tay phải có một biển tên ngõ bụi mờ: ngõ Trại Cá. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lý giải trong cuốn sách Đi ngang Hà Nội, tên này là do nghề làm cá, buôn cá của dân di cư từ các tỉnh thành về ngõ xưa kia. Điều này người dân địa phương xác nhận.
Ngõ Trại Cá khá dài và thoáng, phía cuối con ngõ là một sân bóng khá lớn cho trẻ con, người lớn trong vùng lấy chỗ đá bóng, nhiều nhà mang quần áo ra phơi. Sân được gọi nôm na là sân Kho.
Sân Kho trong ngõ Trại Cá, Ảnh: Thúy Hằng
Hà Nội từng có ngõ Ăn Mày
Phố Hà Nội tua tủa ngõ hai bên, len lỏi đan nhau như xương cá. Nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến từng thống kê: “Phố Bạch Mai có 25 ngõ trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 ngõ là số, còn lại là ngõ có tên. Ngõ chợ Khâm Thiên (ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên) lại có 23 ngõ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận nội thành là: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ”. Mới thế thôi cũng đủ thấy ngõ chằng chịt và là một “đặc sản” của Hà Nội.
Tên Ăn Mày là tên xa xưa của ngõ Đoàn Kết, phố Khâm Thiên. Những năm tháng xưa đói kém, đây là nơi tập kết cuối ngày của những người lang bạt khắp nơi kiếm ăn của người dân tứ xứ. Sau năm 1954, cái tên này mất đi, thay vào đó, người ta gọi “Đoàn Kết”, gợi nhắc tình người trong khó khăn, cưu mang đùm bọc lẫn nhau.
Ngõ Sân Quần hôm nay ,Ảnh: Thúy Hằng
Phố Khâm Thiên còn có ngõ Sân Quần, bởi thời Pháp, trong con ngõ này từng có nhiều sân chơi quần vợt (tennis) cho người Pháp, công chức, tầng lớp thượng lưu xưa. Sau năm 1954, 1955 những người đi tản cư từ khắp nơi trở lại Hà Nội, đất chật người đông, những sân quần vợt này biến mất. Theo người dân địa phương, nền nhà của UBND phường Khâm Thiên bây giờ chính là một sân quần vợt xa xưa.
Hà Nội còn vô vàn những tên ngõ lạ tai khác: Tạm Thương, Phất Lộc, Ngõ Trạm, ngõ Gạch… Những con ngõ này vẫn là một bảo tàng sống động cho nếp sống, văn hóa của Hà Nội. Ngõ Tạm Thương nổi tiếng với nem chua rán rất ngon, ngõ Phất Lộc nổi tiếng vì bún đậu mắm tôm, ngõ Gạch có cà phê rất "phê", những con ngõ chỉ đánh số ngẫu nhiên khác của Hà Nội thể nào cũng có những bà nấu vài ba món rất ngon, phở bò, bún riêu cua chẳng hạn. Đó là cái khiến người ta lưu luyến khi đi xa thành phố này.