Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh thời gian tới khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc tình hình; đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời, sát thực tiễn, hiệu quả, đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, giải pháp ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
Trong bối cảnh như vậy, phải nhất quán thực hiện mục tiêu là: Kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống Nhân dân. Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất và tỷ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chặt tình hình bên trong và bên ngoài.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học, bám sát diễn biến tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chính sách tiền tệ, tài khóa trong thời gian tới được điều chỉnh theo hướng: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung quyết liệt, hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Thứ nhất là nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường cao tốc.
Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân, lưu ý vấn đề tăng lương và kiểm soát giá.
Thứ bảy, cần thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tám, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ chín, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh liên quan đến quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi, đảm bảo đủ điện, xăng dầu, truyền thông chính sách... Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu DN trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đời sống người lao động phù hợp.
Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.