Thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án thép Hoa Sen Cà Ná đánh giá, dự án mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất là phải tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.
Thứ hai là phải đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy ra sự cố như Formosa.
Thứ ba là phải xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, cần phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.
Thủ tướng lưu ý rằng, đây là dự án luyện thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm. Vì vậy, bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung như trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án. Chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Theo kết luận của Thủ tướng, tỉnh Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc dừng đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thu hút các nhà đầu tư khác để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh là hết sức cần thiết.
“Đối với tỉnh Ninh Thuận, để phát triển không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn có rất nhiều lợi thế khác như: đầu tư năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ… sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Thủ tướng kết luận.
Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công nghiệp nặng.
Trong dự thảo quy hoạch ngành thép, Bộ này đã đưa dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch và khẳng định đã mời tư vấn để thẩm định, đánh giá quy hoạch thép.
Theo quy định hiện nay, thẩm quyền đưa dự án vào quy hoạch khi cân đối cung cầu là của Bộ Công Thương, tuy nhiên, với những nhà đầu tư có dự án với quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng thì phải có ý kiến của Thủ tướng.
Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD. Theo dự kiến của Hoa Sen Group, dự án thép Cà Ná sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 2 phân kỳ. Với phân kỳ I.1, vốn đầu tư dự kiến là 10.258 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 2.051,6 tỷ đồng, vốn vay trung hạn 8.206,4 tỷ đồng (tương đương 80%).
Sau khi công bố, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về dự án này, đặc biệt là sau sự cố của dự án Formosa Hà Tĩnh. Thậm chí một số ý kiến còn nghi ngại có lợi ích nhóm khi Bộ Công Thương đưa dự án vào quy hoạch.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã khẳng định trước Quốc hội việc "không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường" và cho nhấn mạnh "không có chuyện lợi ích nhóm" tại dự án này.
Lãnh đạo ngành công thương cũng quả quyết, nếu đã để xảy ra những hệ luỵ xấu thì việc xem xét từ chức của Bộ trưởng Công Thương cũng là quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra.