Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng Chính phủ điện tử.
Thông báo nêu rõ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng đạt được những kết quả nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, còn nhiều việc triển khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới cách nghĩ, cách làm, coi đây là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị, địa phương thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy” và “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT ở mọi cấp, mọi ngành.
Ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT.
Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký. Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu mối xây dựng Chính phủ điện tử, định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện.
Ủy ban có Tổ công tác giúp việc kiêm nhiệm, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các Tập đoàn nhà nước và khối tư nhân. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ là đơn vị thường trực của Tổ công tác.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Ủy ban, trình trong tháng 6. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và các đơn vị có liên quan xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.
Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trong tháng 6, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu xây dựng Đề án thiết lập Hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.