Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá, các địa phương đã quyết liệt trong phòng, chống COVID-19 và đạt kết quả tích cực, trong đó có việc kịp thời giải quyết việc lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân Hải Dương.
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho chủ trương về nội dung này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo nội dung này và nêu các kế hoạch nhập khẩu vaccine, kế hoạch tiêm, đối tượng tiêm.
Với việc dịch dần được kiểm soát, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần có đề xuất để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh với tinh thần thực hiện mục tiêu kép.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, 11/13 tỉnh, thành phố đã gần hai tuần không có ca mắc mới. Đối với việc giải trình tự gen chủng virus của ca người Nhật Bản tử vong và mắc COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đây là chủng 20C, lần đầu phát hiện tại Việt Nam.
Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Srilanka, Ấn Độ nhưng lại không có tại Nhật Bản, quê hương của ca bệnh người Nhật. Chủng này tốc độ lây nhiễm không cao, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, chưa rõ ràng về mức độ tăng nặng.
Còn tại TP Hải Dương, Bộ đã phát hiện một mẫu xét nghiệm là chủng của Nam Phi. Bộ sẽ cho xét nghiệm trên diện rộng để trả lời câu hỏi tại sao lại có chủng này tại Hải Dương.
Về việc nhập khẩu vaccine COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất với Chính phủ về tiến độ mua vaccine trong năm nay. Theo đó Quý I/2021 là 1,3 triệu liều; Quý 2 là 9,5 triệu; Quý III là 25,9 triệu và Quý IV là 51,1 triệu.
Như vậy, nếu theo phương án này thì năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine, đảm bảo tiêm cho mọi người dân. Ngay trong sáng 24/2, có 117.000 liều vaccine đầu tiên mua của hãng Astra Zeneca về đến TP.HCM.
Về nguồn vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long báo cáo đã làm việc với một số hãng để nhập khẩu. Theo đó, nguồn thứ nhất là COVAX có thể cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm nay. Nguồn thứ hai là nhập khẩu của Astra Zeneca với số lượng 30 triệu liều.
Nguồn thứ ba là của Nhà sản xuất Pfizer, hãng có thể cung cấp cho nước ta 30 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, vaccine này phải bảo quản ở nhiệt độ -75 độ C và phải tiêm 5 ngày sau khi rã đông. Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy họ phải hủy 50% số vaccine do yêu cầu nghiêm ngặt về bảo quản, vận chuyển rã đông, trong khi nước ta thiếu hệ thống bảo quản lạnh -75 độ C.
Với vaccine của Nga, Bộ Y tế cho biết, thông tin ban đầu cho thấy hãng của Nga có thể cung cấp tới 60 triệu liều cho Việt Nam.
Dù có phương châm huy động xã hội cũng tham gia vào việc cung ứng vaccine, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý có tình trạng lừa đảo, bởi một số công ty giả danh đại diện cho nhà sản xuất để rao bán vaccine, nhưng thực tế không phải như vậy. Đây là điều mà các đơn vị của Việt Nam nếu muốn tham gia vào nhập khẩu cung ứng phải hết sức lưu ý, không nên mua qua trung gian mà nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất.
Trên cơ sở kiến nghị Chính phủ về vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: "Nếu tính theo lộ trình như vậy, chúng tôi đảm bảo không có chuyện thiếu hụt vaccine. Vì vậy, quan trọng nhất lúc này là Bộ Y tế nỗ lực triển khai tiêm. Và lần này triển khai sẽ là quy mô tiêm lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ đang cấp tập chuẩn bị kịch bản tiêm với phương châm huy động tất cả những đơn vị cả trong và ngoài ngành y tế, các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác tham gia vào tiến trình này để đẩy nhanh tiến trình tiêm, đảm bảo độ bao phủ. Chúng ta càng bao phủ nhanh càng tốt để mở cửa được nền kinh tế. Đối với vaccine của nội thì đang theo tiến độ và đến năm 2022 thì chúng ta sẽ có vaccine".