Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng.
Vào lúc 15h15, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu nhận chất vấn trực tiếp từ đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận định, thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, khó đoán định và đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam.
"Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về vấn đề này để thống nhất phát ngôn và hành động", ông Trí nói.
Trả lời, Thủ tướng cho biết trong cương lĩnh Đại hội XIII, Hiến pháp đã quy định rất rõ Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối chung này với ba trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thu được nhiều kết quả quan trọng.
"Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải, các vấn đề liên quan quốc tế thì quan điểm là vì hòa bình, hợp tác phát triển phù hợp với đường lối quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua", người đứng đầu Chính phủ hồi âm đại biểu.
Ông cũng biểu dương Bộ Ngoại giao, khi chống dịch thời gian qua làm tốt nhiệm vụ ngoại giao vaccine. Trong đó có ba cấu phần là quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn quốc. Nhờ đó, số vaccine đã đảm bảo đáp ứng chăm sóc sức khỏe người dân nhưng cũng tiết kiện được chi phí.
Nêu chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô là luôn hiện hữu và đặc biệt là sức ép từ lạm phát và cũng như khả năng là dịch chồng dịch.
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể gì để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ?
Trả lời, Thủ tướng nhìn nhận, dịch Covid-19 không có tiền lệ, mất rất nhiều công sức để kiểm soát, đến giờ này chưa dành thời gian để tổng kết được việc này như thế nào, nhưng Chính phủ đang chỉ đạo sẽ thống nhất tổng kết chống dịch để có bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp cụ thể.
Tổng kết sơ bộ, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và nhiều cộng nữa để có dư địa, không gian sáng tạo.
Trong giai đoạn 1 khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virut đã buộc chúng ta phải dùng biện pháp hành chính. Sau khi nhấn thấy biện pháp hành chính rất khó thành công thì chúng ta đã thúc đẩy vaccine. Theo đó, đã xây dựng chiến lược vaccine cùng với là ý thức người dân là 2 thành tố quan trọng từ đó đẩy lùi được dịch bệnh, Thủ tướng hồi âm đại biểu.
Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ, với quan điểm chống dịch “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết” và “chống dịch từ sớm, từ xa”, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì Việt Nam đã thành công.
Thời gian tới, theo Thủ tướng cần tiếp tục là phải tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, có thể thấy rõ tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất là quan trọng. Cùng với sức mạnh dân tộc, chúng ta cũng đã kết hợp với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại bởi đây là vấn đề toàn cầu.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định rõ hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch khác và quy hoạch các vùng, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn;… Luật cũng quy định chặt chẽ mối quan hệ giữa các quy hoạch, trong đó quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các quy hoạch còn lại. Đến nay, quy hoạch quốc gia chưa hoàn thành.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết tình hình chỉ đạo triển khai việc lập các quy hoạch? Đồng thời chỉ rõ giải pháp trong thời gian tới?
Hồi âm đại biểu, Thủ tướng nói trong các phiên chất vấn trước, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời, tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ thúc đẩy thực hiện cho thật tốt.
Thủ tướng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội đến 16h50 phút chiều 5/11.