Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại miền Trung ứng phó bão Noru

0:00 / 0:00
0:00
Ban chỉ đạo tiền phương dự kiến đi vào hoạt động trong ngày mai (26/9) để ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru sẽ vào Biển Đông trong đêm nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, ứng phó bão quốc tế Noru sẽ vào Biển Đông trong đêm nay (25/9) và trở thành cơn bão số 4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão tại khu vực miền Trung.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, Ban chỉ đạo tiền phương sẽ đặt trụ sở hoạt động tại tâm bão, có thể là thành phố Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành làm Trưởng ban Ban chỉ đạo tiền phương, đồng thời sẽ có các bộ, ngành đi cùng.

Ban chỉ đạo tiền phương sẽ hỗ trợ các địa phương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trực tiếp, đồng thời thường xuyên báo cáo Thủ tướng để có những giải pháp trong tình huống khẩn cấp cho các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, đây là cơn bão rất mạnh và đến thời điểm này có thể chia 8 địa phương ở vùng trực tiếp ảnh hưởng của bão thành 2 cấp độ. Cụ thể, có 4 địa phương ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 là cấp lớn nhất gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. 4 địa phương rủi ro thiên tai là cấp 3 gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Khánh Hòa.

Các kịch bản theo Quy chế của Ban chỉ đạo và theo Luật phòng chống thiên tai đã có, yêu cầu các địa phương trong vòng 48 tiếng đồng hồ tới thì tập trung vào hoàn thiện các kịch bản theo hướng chỉ đạo rủi ro thiên tai để sẵn sàng các phương án.

Trong đó, đầu tiên là đảm bảo an toàn tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản trên biển, cố gắng thông báo và kêu gọi các tàu thuyền di chuyển ngay ra khỏi vùng nguy hiểm trong vòng 24 tiếng theo thông báo vùng nguy hiểm mà Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai sẽ gửi đến các địa phương theo hướng là chạy ra phía Bắc hoặc về phía Nam, hạn chế vào bờ vì vào bờ ở khu vực này cũng rất nguy hiểm.

Thứ hai, đảm bảo các lồng bè hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển an toàn tuyệt đối cho người trước, sau đó đến an toàn cho tài sản của người dân nuôi trồng thủy sản trên biển.

Trên đất liền, các địa phương theo kịch bản ứng phó về cấp độ rủi ro thiên tai để quyết định các phương án, trong đó là cấm tàu thuyền ra khơi có thể ngay ngày mai (26/9) là cấm tàu thuyền ra khơi và cố gắng ban hành lệnh cấm biển 24 tiếng trước khi có lệnh cảnh báo thiên tai rủi ro.

Đối với công tác chuẩn bị khác lưu ý các địa phương một số công tác chỉ đạo: Thứ nhất là đảm bảo “nguyên tắc 4 tại chỗ” một cách thiết thực hiệu quả và thực chất.

Thứ hai là sơ tán dân, trong sơ tán dân lưu úy các kịch bản về sơ tán dân. Sơ tán dân đến những khu vực gần nhất, an toàn nhất và đảm bảo an toàn ở chỗ sơ tán, khi an toàn mới cho sơ tán. Với cấp độ rủi ro như thế này thì các nhà cấp 4 phải sơ tán dân và có đảm bảo đảm bảo là chằng chống nhà cửa phù hợp với điều kiện của địa phương để giảm thiểu tối đa thiệt hại nhà cửa bị tốc mái, sập đổ.

Chuẩn bị các lệnh cấm đường, cho học sinh nghỉ học; cắt tỉa cây, chằng hoặc tháo các biển quảng cáo, đặc biệt là chằng buộc các nhà mái tôn để đảm bảo không gây nguy hiểm thiệt hại.

Thứ ba, đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, bản thân Ban chỉ đạo các địa phương cũng phải chia lực lượng các mũi để đi kiểm tra thực tế, đảm bảo các điều kiện an toàn tính mạng tài sản của người dân, công sản, trong kịch bản đã có đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc.

Tin bài liên quan