Thủ tướng rất quan tâm, nhưng doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn

Theo đại biểu Quốc hội, vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu sáng 13/6.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu sáng 13/6.

Thủ tướng đã gặp mặt đối thoại, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bị bắt nạt, thế nhưng, vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đó là nhận định của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách của Quốc hội, sáng 13/6.

Nỗi lo trong kỳ tích 

Kết quả chống đại dịch Covid- 19 được tuyệt đại đa số các vị đại biểu nhắc đến với không ít mỹ từ như kỳ tích, tuyệt vời... Nhưng đằng sau những mỹ từ đó là không ít lo lắng về phục hồi kinh tế, đặc biệt là sức khoẻ của doanh nghiệp, cũng liên quan đến Covid- 19.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, trong tình trạng dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp; nguồn thu ngân sách quốc gia sụt giảm nghiêm trọng.

Nhưng, ông Phương nhấn mạnh, vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu, nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp giấy phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Trong lúc đó các doanh nghiệp gặp khó khăn, vay vốn ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư mua sắm phương tiện, dây chuyền, thiết bị để phục vụ cho sản xuất, nhưng hàng hóa sản xuất không được xuất khẩu, hàng hóa tồn kho quá lớn, vốn liếng doanh nghiệp tồn động, nguy cơ phá sản; nhà nước cũng không có cơ hội thu ngân sách.

Vẫn theo phản ánh của đại biểu, không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời, một số dự án khác, vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp cơ bản hoàn thành từ năm 2019 nhưng do vướng mắc Luật Quy hoạch, nay Luật đã có Nghị quyết hướng dẫn của Quốc hội, nhưng đến nay vẫn dừng chờ, làm chậm tiến độ, không được giải quyết. Trong lúc đó nguồn điện quốc gia thiếu, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc nguy cơ nợ nần, phá sản; Các địa phương lại không hoàn thành thực hiện kế hoạch mục tiêu trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách.

"Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Đoàn đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị nhưng tiến độ vẫn chậm, đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia", đại biểu Phương phát biểu trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Trước phiên thảo luận toàn thể, khó khăn của doanh nghiệp cũng là thông tin được nêu ở nhiều tổ thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, khi số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới.

Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, du lịch... bị thua lỗ lớn do tác động của Covid-19, đang đề nghị được Chính phủ hỗ trợ, nhưng chưa thấy vấn đề này được đề cập trong báo cáo trình Quốc hội, đại biểu băn khoăn.

Liên quan đến tín dụng, một số đại biểu phản ánh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất các khoản cho vay, yêu cầu các ngân hàng thương mại bố trí khoản tín dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này.

Theo nhận định được tổng hợp từ 19 tổ thảo luận, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất sâu, nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó, nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất là các ngành phụ thuộc đầu vào của nước ngoài về nguyên liệu, ngành xuất khẩu; ngành sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày); du lịch; các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp rất nhỏ. Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ phải đối mặt với làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 do điều kiện tự nhiên có đường biên giới dài cùng với áp lực phải mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh này, đại biểu đề nghị quan tâm giải pháp tập trung phát triển kinh tế tư nhân, phát huy hơn nữa vai trò của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đề nghị tiếp theo từ đại biểu là Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực, cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là bảo lãnh vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh, hạn chế phá sản, giảm giá trị doanh nghiệp và bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm với giá rẻ. Đồng thời, cần có đánh giá hiệu quả của việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.

Đại biểu cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước; sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp chủ lực và kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ cần nghiên cứu để khai thác các lợi ích của việc Việt Nam ký kết và phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; có giải pháp để giải quyết tranh chấp có thể nảy sinh giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi thực hiện các Hiệp định, đại biểu Quốc hội góp ý. 

Tin bài liên quan