Thủ tướng: Quyết tâm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra sáng 28/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi sau 25 năm xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán một hội nghị liên quan tới chứng khoán được tổ chức với sự tham gia và quan tâm rất lớn của hàng trăm đại biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Ảnh VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Ảnh VGP

Phát triển kinh tế không thể thiếu TTCK

Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK.

"Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột."

"Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.

"Chúng ta cùng nhau xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam còn non trẻ. Qua 25 năm, thị trường có nhiều thăng trầm, đột phá và đang tiếp tục phát triển theo tinh thần tiến kịp, đi cùng, tăng tốc, nên không thể không có những khó khăn, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong".

Theo Thủ tướng, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá. Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan.

TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế. TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư

“Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng trò chuyện cùng đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh VGP.

Thủ tướng trò chuyện cùng đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh VGP.

Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn.

Thứ ba, quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường.

Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan; luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển.

Thứ năm, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.

Thứ sáu, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2024. Ảnh VGP.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2024. Ảnh VGP.

Phân tích thêm về một số quan tâm của các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ năm 2023 có thiếu điện cục bộ do điều hành không tốt.

"Năm nay, chúng tôi rất quyết liệt để không thiếu điện và các nhà đầu tư có thể yên tâm về vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 155.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư.

Đồng thời tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra TTCK nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm trên TTCK, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm, đảm bảo TTCK phát triển bền vững và vận hành được công bằng, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống về TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chú trọng hơn công tác truyền thông nâng cao hiểu biết, trình độ, khả năng phân tích của các nhà đầu tư.

Song song việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nhanh chóng rà soát, cắt bỏ, sửa đổi các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán, TTCK nói riêng.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng chỉ đạo UBCKNN tiếp tục phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.

Đặc biệt, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".

Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

Đối với các công ty chứng khoán, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025"; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động.

Ngoài ra, tiếp tục phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo hai mô hình: đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch chứng khoán.

Đối với các nhà phát hành, Thủ tướng khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đồng thời khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh. Tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới (các sản phẩm tốt).

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, nhà phát hành tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ ngành sẽ triển khai các giải pháp góp phần nâng cao năng lực đầu tư, hiểu biết pháp luật, năng lực phân tích, tăng cường trách nhiệm của các nhà đầu tư, bởi "lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn".

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các kiến nghị của các đại biểu, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tổng hợp, phân loại, các cơ quan giải quyết, xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tin bài liên quan