Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

0:00 / 0:00
0:00
Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1, kết nối Cao Bằng với Lạng Sơn có chiều dài 93,35km với tổng mức đầu tư 14.311 tỷ đồng sẽ được hoàn thành sau 36 tháng nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, giai đoạn 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, giai đoạn 1.

Hôm nay (ngày 1/1/2024), tại xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức khởi công Dự án PPP đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Đây là Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 được tin tưởng lựa chọn là nhà đầu tư dự án. Trong đó HHV là đơn vị thi công chủ lực tại công trình nhiều thách thức về mặt kỹ thuật này.

Xây dựng công trình kiểu mẫu

Nhắc lại sự kiện cách đây đúng một năm, khi cũng trong ngày đầu năm mới 2023, Thủ tướng đã phát lệnh đồng loạt khởi công Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025 và đến cuối năm 2023 là khánh thành 4 dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó cầu Mỹ Thuận 2.

Đặc điểm chung của các dự án này là đều gặp rất nhiều khó khăn về vốn, vật liệu thi công. Tuy nhiên cả 4 dự án này đều hoàn thành đúng tiến độ, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tạo cảm hứng to lớn cho các dự án khác, trong đó có Dự án PPP đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

“Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm hay không, có dám làm hay không và có biết cách làm hay không để mang lại những thành công mới”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến những nỗ lực vượt khó, vươn lên của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Cao Bằng, trong việc phát triển ngành công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng với phương châm “giao thông đi trước mở đường”. Đặc biệt là sự kiện khởi công Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) diễn ra đúng tại vị trí diễn ra chiến thắng Thu Đông lịch sử.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút khởi công Dự án

Các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút khởi công Dự án

Thủ tướng đánh giá Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công trình được chọn thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù, trong đó có việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước lên tới 70%. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, quyết tâm triển khai công trình đặc biệt này, qua đó góp phần hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

“Với khí thế; động lực; niềm tin và kinh nghiệm, năng lực tích luỹ được trong thời gian vừa qua, tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ sớm hoàn thành mục tiêu được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết là việc hoàn thành cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là khát khao, mong mỏi của chính quyền, nhân dân tỉnh Cao Bằng vì sự phát triển của địa phương thông qua việc kết nối với các địa phương trong khu vực; đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh cho các tỉnh phía Bắc, tạo nên một tuyến cao tốc đối ngoại mới cho đất nước. Đây là lý do khiến Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) từng được lên kế hoạch đầu tư sau năm 2030 nhưng đã được ưu tiên nguồn lực để triển khai sớm.

Ngoài khó khăn về địa chất, Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế huy động vốn PPP; tính khả thi tài chính. Tuy nhiên với tinh thần “vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó”; tăng thu, tiết kiệm chi để có thêm nguồn lực ngân sách, Dự án đã từng bước vượt qua khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị triển khai Dự án phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, "qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét núi" để làm cao tốc được thẳng nhất, ít tác động tới môi trường cảnh quan; xem xét triển khai ngay việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từ 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe.

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã kiên trì; đổi mới sáng tạo; tinh thần tiến công vượt khó những khó khăn về kỹ thuật, pháp lý, nguồn vốn, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc khi tham gia vào Dự án. Thủ tướng đánh giá cao Đèo Cả đã sáng tạo, áp dụng mô hình PPP+ được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đầu tư, thi công các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam của Tập đoàn Đèo Cả; ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong triển khai các dự án.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn quyết liệt hơn nữa trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư; liên danh nhà đầu tư do Đèo Cả đứng đầu huy động mọi nguồn lực, thi công 3 ca, 4 kíp, “vượt nắng thắng mưa” để hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; quan tâm chăm lo đời sống của người dân trong vùng dự án, nhất là những hộ dân phải di dời giải phóng mặt bằng. Phải coi việc triển khai Dự án là một "chiến dịch Thu Đông với chiến thắng Đông Khê mới" trong năm 2024.

Thủ tướng giao Tập đoàn Đèo Cả quan tâm xây dựng 1 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho 2 tỉnh: Lạng Sơn và Cao Bằng, trước mắt là nguồn lao động cho chính dự án.

Được biết, mặc dùcó lợi thế đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 333km, nhưng Cao Bằng hiện chưa có đường sắt, sân bay, không có cảng biển… Đường bộ là phương thức vận tải duy nhất nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Những hạn chế của hệ thống giao thông đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải có đường cao tốc.

Theo ông Trần Hồng Minh, Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng, khởi đầu tư năm 2015, sau 2 nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 hiện đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong đó có việc lựa chọn nhà đầu tư vào đầu tháng 12/2023. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Dự án này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán ký kết hợp đồng đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án, trong đó chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng.

Tuy nhiên, được chấp thuận của Quốc hội tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án được được điều chỉnh từ 6.580 tỷ đồng thành 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76 % tổng mức đầu tư của dự án) qua đó góp phần đảm bảo tính khả thi tài chính cho công trình.

“Đây là động lực rất lớn để Dự án tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, sớm trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh quốc gia, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, với các trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa và quốc tế”, ông Trần Hồng Minh đánh giá.

“Đảng bộ, nhân dân Cao Bằng quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không phát sinh thêm chi phí đầu tư để trở thành công trình kiểu mẫu về PPP. Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ để hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra”, ông Trần Hồng Minh cho biết.

Cam kết “chỉ tiến không lùi"

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là công trình đầu tiên được khởi công cho việc thí điểm vốn NSNN hỗ trợ lên đến 70% của Quốc hội sẽ tiền đề minh chứng cho sự tháo gỡ thành công của cơ chế chính sách hiện nay để tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm khó khăn trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư).

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, Tập đoàn Đèo Cả xem dự án này là “thao trường” để triển khai công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, là nơi doanh nghiêp Việt Nam ứng dụng những công nghệ và phương thức quản trị mới, qua đó sẽ nâng cao năng lực, kinh nghiệm “thực chiến” cho đội ngũ nhân sự (công nhân sẽ nâng cao tay nghề, kỹ sư sẽ có khả năng thực chiến - ứng dụng công nghệ; cấp quản lý sẽ minh bạch hơn trong quản lý đầu tư, thi công và quá trình thanh quyết toán dự án).

“Những giải pháp đầu tư, thi công được áp dụng tại cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đúc rút qua nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án khó của Tập đoàn Đèo Cả. Thay mặt Liên danh các nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả xin hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”, “đã nói là làm và đã cam kết là phải thực hiện hiệu quả” như tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo lan toả ngành GTVT trong thời gian qua”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.

Tại lễ khởi công, lãnh đạo Tập đoàn Đèo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT làm đầu mối để cùng các Bộ ngành, các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ngành giao thông hợp tác, học tập các mô hình của doanh nghiệp quốc tế là Nhật Bản, Trung Quốc... về các công nghệ lõi của ngành giao thông sẽ phải triển khai trong thời gian tới nhằm đón bắt cơ hội phát triển doanh nghiệp như metro, đường sắt, cầu dây văng, đây võng, thí nghiệm đặc thù… để tiếp nhận việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong quá trình hợp tác.

Bên cạnh đó, cần sớm có cơ chế, chính sách đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ thông qua mô hình hợp tác của doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo là các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề nhằm chuẩn bị kiến thức và con người sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ các công nghệ đột phá để doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu các công việc đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số đồng bộ không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các đối tác, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý và ban ngành chuyên môn để nhất quán và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đồng thời tổ chức đánh giá để qua đó điều chỉnh tiêu chuẩn, quy định pháp luật phù hợp để có hành lang pháp lý tạo sự minh bạch trong quản lý đầu tư, thi công”, ông Hồ Minh Hoàng đề xuất.

Được biết, Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từng được Bộ GTVT lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.

Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

Với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn phức tạp về kỹ thuật, tài chính, pháp lý… Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.

Nhà đầu tư phải tiếp tục có những giải pháp để tối ưu hơn, trong đó bao gồm áp dụng mô hình PPP+ được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đầu tư, thi công các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam của Tập đoàn Đèo Cả.

Cụ thể, mô hình PPP+ là giải pháp huy động nguồn vốn cho dự án từ vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn trái phiếu đặc biệt là vốn nhà đầu tư, bên cạnh đó, nhà đầu tư thứ cấp đồng thời là các tổng thầu thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC) có năng lực, kinh nghiệm.

Hiện nay nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư) đã được các nhà đầu tư thu xếp đủ, trong đó ngân hàng VPBank đồng ý cấp nguồn tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án.

Tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án đầu tư công, dồn nguồn lực, tăng vốn tham gia của ngân sách địa phương từ 2.500 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng.

Tại Dự án này, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hợp tác với các trường đại học, trường đào tạo nghề, để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành, ứng dụng công nghệ cho kỹ sư và đúc kết mô hình quản lý, thi công chuẩn mực cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số, mô hình BIM để kiểm soát giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí; các quy tắc ứng xử, sơ cứu cấp cứu sẽ được tổ chức đào tạo và diễn tập thường xuyên tại công trường.

Công trình hầm luôn là nút thắt quan trọng của tiến độ dự án. Việc cải tiến phương pháp thi công hầm bằng “công nghệ NATM hệ Đèo Cả” giúp tăng mũi đào và bước đào, rút ngắn chu kỳ đào một gương hầm để tăng từ 4 mũi lên 6 mũi sẽ rút ngắn tiến độ thi công.

“Chúng tôi đã huy động đủ nguồn lực và quyết tâm hoàn thành sớm nhất Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thỏa lòng mong mỏi của người dân Cao Bằng về tuyến đường nối liền Thủ đô Hà Nội với miền biên viễn, phên dậu Tổ quốc”, đại diện liên danh nhà đầu tư cam kết.

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 121 km, đi qua địa phận huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và huyện Thạch An, huyện Quảng Hoà và huyện Trùng Khánh (Cao Bằng); được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: đầu tư khoảng 93,35km (từ Km0+00 đến Km93+350), lựa chọn kích thước mặt cắt ngang với nền đường rộng 17m đối với các đoạn thông thường (chiếm khoảng 24%) và mặt cắt ngang nền đường 13,5m đối với các đoạn khó khăn (chiếm khoảng 76%) kiểm soát tổng mức đầu tư trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu giao thông trong giai đoạn 2025 - 2030.

Giai đoạn 2 (hoàn thiện): đầu tư tiếp khoảng 27,71km từ Km93+350 đến Km121+060, điểm đầu nối với điểm cuối của giai đoạn 1, điểm cuối tại cửa khẩu Trà Lĩnh quy mô bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô cắt ngang 17m với các đoạn tuyến châm chước trong giai đoạn 1, trung bình 500m bố trí 1 vị trí dừng xe.

Hiện nay, UBND tỉnh Cao Bằng đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106

Tin bài liên quan