Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án.
Sáng nay (1/1), Bộ GTVT đã tổ chức lễ khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Lễ khởi công được diễn ra đồng loạt tại 12 dự án thành phần/9 tỉnh có Dự án đi qua theo hình thức kết nối trực tuyến giữa 12 địa điểm khởi công. Trong đó, điểm cầu trung tâm là vị trí khởi công Gói thầu XL1, Dự án thành phần Hoài Nhơn – Quảng Ngãi tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Triển khai cao tốc với khí thế tiến công
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong 20 năm vừa qua, mặc dù đã được quan tâm, đầu tư, tuy nhiên cả nước chúng ta mới hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 1.400 km đường bộ cao tốc.
Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã quyết nghị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Đây thực sự là một nhiệm vụ rất nặng nề và nhiều thách thức, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, nỗ lực rất cao của không chỉ là ngành GTVT mà cả hệ thống chính trị và sự chia sẻ, ủng hộ của toàn dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt về nguồn lực và cơ chế chính sách cho phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên phát triển đường cao tốc với điểm nhấn quan trọng nhất là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông – hành lang kinh tế quan trọng nhất của đất nước để tạo động lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh kinh tế.
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Bộ GTVT đã đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án với việc rút ngắn một nửa thời gian chuẩn bị để có thể đồng loạt triển khai 12 dự án thành phần.
“Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu. Các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ để thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không để vượt tổng mức đầu tư, áp dụng nghiêm cơ chế thưởng, phạt tiến độ; đảm bảo đúng quy định của pháp luật ”, Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh đến cuối năm 2025 phải thông xe toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau.
Thủ tướng yêu cầu cần có tư duy, cách làm mới trong phát triển đường cao tốc, trong đó phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; tổ chức thi công khoa học, không làm ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông, an toàn lao động
Chỉ đạo các chủ đầu tư phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng tiến độ công trình, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Phải coi việc công như việc của mình, của nhà mình; lăn lộn, bám công trường để kịp thời xử lý các vướng mắc, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền.
Các bộ ngành, tỉnh thành phố liên quan được Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các chủ đầu tư tạo điều kiện tốt nhất về đảm bảo an ninh; công bố đầy đủ các đơn giá, định mức; sớm bàn giao mặt bằng và các mỏ vật liệu cho đơn vị thi công. Bộ trưởng Bộ TNMT trong 15 ngày tới phải kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến cấp phép khai thác các mỏ vật liệu thông thường.
“Tinh thần đã nói là phải lảm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là phải có sản phẩm tốt, được Đảng, nhân dân ghi nhận trên tinh thần khí thế tiến công, vượt qua mọi khó khăn, thử thách”, Thủ tướng nhắc nhở.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát động lễ thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực GTVT, trong đó phấn đấu giải ngân trên 95% vốn kế hoạch năm 2023 với tinh thần làm việc xuyên tết, không ngại khó ngại khổ, vượt qua những khó khăn thách thức để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, chất lượng, góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của cả giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có tổng chiều dài 729 km với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Trong đó đoạn đi qua 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị với chiều dài 267 km; đoạn đi qua 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với chiều dài dài 353 km và đoạn đi qua 5 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau với chiều dài 109 km. Trên toàn tuyến, tổng khối lượng lên đến 66 triệu m3 đào đất và đá, 87 triệu m3 đắp, hơn 83 km cầu, khoảng 7 km hầm, 111 nút giao cùng liên thông và trực thông.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11/02/2022, trong đó giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo thẩm quyền như: cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu; cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho nhà thầu thi công; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ, các Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất,công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cũng đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi quá có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận; đến nay các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.
Như vậy, sau hơn 10 tháng triển khai, đến nay toàn bộ 12 dự án thành phần Dự án đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án ngày hôm nay mới chỉ là kết quả bước đầu, để hoàn thành Dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ vẫn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề với ngành GTVT, các chủ đầu tư và các đơn vị tham gia triển khai dự án.
“Ngành GTVT hơn lúc nào hết phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường (vượt nắng thắng mưa), đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ khởi công, Bộ GTVT cũng đã phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT bắt đầu từ ngày 6/1/2023 (15 tháng chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 6/2/2023 (16 tháng giêng năm Quý Mão).
Cam kết không để dự án chậm 1 ngày
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả báo cáo Thủ tướng về công tác triên khai Gói thầu XL1, Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. |
Thay mặt cho các nhà thầu thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn Đèo Cả cam kết hướng dẫn các nhà thầu trong liên danh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thầu khác để cùng nhau hoàn thành toàn tuyến cao tốc giai đoạn 2, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu, “Không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”.
“Ý thức được trách nhiệm là nhà thầu đứng đầu liên danh, thời gian qua Tập đoàn Đèo Cả đã dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị dự án cao tốc lần này sẽ tạo ra tính vượt trội về năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả mong muốn Bộ TNMT và Bộ GTVT sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, thời gian hoàn thành trước 30/01/2023.
Bộ Xây dựng, Bộ GTVT rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 877/QĐ-TTg ngày 22/7/2022; cho phép áp dụng thí điểm mô hình thông tin công trình BIM cho Dự án cao tốc, đồng thời sớm có ý kiến về các định mức thi công chưa phù hợp mà Bộ GTVT đề nghị.
Đặc biệt, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đề nghị UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được Bộ GTVT lựa chọn và hoàn thành trước ngày 30/1/2023 để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính công bố các chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hàng tháng phù hợp với thực tế để đảm bảo công tác thanh, quyết toán công trình.
Được biết, trong suốt chiều dài lịch sử, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; với đặc điểm địa lý trải dài theo hướng Bắc - Nam vì vậy các trục giao thông theo hướng Bắc - Nam như trục xương sống, là hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, bao gồm cả 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng từ ngày hôm qua.
Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 622 km, bao gồm 541 km thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 Nghị quyết số 52/2017/QH14 và 81 km là các dự án độc lập khác; các dự án thành phần này sẽ lần lượt hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2023 và 2024.
Việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc –Nam giai đoạn 2021 – 2025 sẽ góp phần cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.