Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ - Ảnh: PT.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ - Ảnh: PT.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng trưởng cao “có thể phải hy sinh một phần lạm phát”

0:00 / 0:00
0:00
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình bình 6-7% năm sẽ khó đạt 2 mục tiêu 100 năm, nên phải thúc đẩy tăng trưởng cao hơn. Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao, theo Thủ tướng, phải tăng trưởng tín dụng cao, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý, trong đó có đề nghị “có thể phải hy sinh một phần lạm phát”.

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 14/2 về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV.

Tại đây, vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ nhắc lại một nhiệm kỳ đầy khó khăn, từ đại dịch Covid-19 đến xung đột ở các khu vực trên thế giới khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, rồi bão lũ, thiên tai… khiến nền kinh tế trong nước phải chịu nhiều tác động.

Trong nhiệm kỳ, nhiều lần thay đổi lãnh đạo ở cả Trung ương và địa phương. Dù vậy, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu rất cao và giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh công tác an sinh xã hội được làm tốt, điển hình từ đại dịch đến siêu bão Yagi, việc khắc phục hậu quả rất nhanh.

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho biết tại Hội nghị Trung ương 10 xác định mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% là khó khăn, thậm chí khi xuất hiện cơn bão Yagi, nhiều người khuyên ông năm 2024 nên giảm một số mục tiêu để phấn đấu.

“Tôi trả lời rằng mình phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, cuộc sống ấm no của nhân dân, không phải mục tiêu đặt ra vừa phải để phấn đấu cho dễ dàng. Càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Theo Thủ tướng, đó cũng là lý do Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị, Trung ương về việc có thể năm 2025 có thể phấn đấu mục tiêu cao hơn, cụ thể nâng lên trên 8% thay vì 6,5-7%.

“Nếu ta không đặt ra như thế, tốc độ bình bình 6-7% năm sẽ khó đạt 2 mục tiêu 100 năm, nên phải thúc đẩy tăng trưởng cao hơn”, Thủ tướng nói.

Về giải pháp, Thủ tướng lưu ý cần tạo không gian sáng tạo cho bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao, theo Thủ tướng, phải tăng trưởng tín dụng cao, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý, trong đó Chính phủ có đề nghị với Quốc hội là “có thể phải hy sinh một phần lạm phát”.

Giải pháp tiếp theo được lãnh đạo đề cập là thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. Trong đó, lưu ý phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động. Đây là yêu cầu khách quan, nếu không làm sẽ tụt hậu”, Thủ tướng nói và cho rằng cần vừa làm vừa điều chỉnh cơ chế, chính sách.

Trao đổi với đại biểu Quốc hội về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Thủ tướng nêu rõ, cải cách bộ máy hành chính không chỉ là cơ học, mà mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho.

“Chúng ta cắt đi một cấp, rõ ràng bớt đi một thủ tục hành chính. Việc này cần đi đôi với số hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng của bộ máy”, Thủ tướng phát biểu.

Từ sắp xếp tổ chức bộ máy, Thủ tướng lưu ý bố trí nhân sự phù hợp, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

“Tại sao ta bỏ công an cấp huyện? Mỗi huyện trên dưới 100 đồng chí, khi bỏ đi, tổ chức lại thì một số chuyển lên tỉnh, nhưng đa số chuyển xuống cấp cơ sở, cấp gần dân nhất. Việc gì cũng xảy ra ở dưới cơ sở, nhân dân cũng chủ yếu ở cơ sở, xã phường nên phấn đấu mục tiêu vì dân thì phải tăng cường cơ sở để lo cho dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nói rõ, cải cách bộ máy hành chính lần này, kể cả bộ máy Đảng, cũng để phục vụ cho phát triển, cuối cùng là người dân phải được hạnh phúc, ấm no, đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. Ông khẳng định phải xác định thứ tự ưu tiên để tạo nguồn lực nhanh nhất. Nguồn lực, thời gian có hạn, năng lực chưa nhiều mà yêu cầu cao thì dứt khoát phải làm có trọng tâm, trọng điểm.

Tin bài liên quan