Thủ tướng nhất trí việc ban hành chuẩn nghèo mới

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020. (Ảnh: VGP).

Trước đó, sáng ngày 29/12, Chính phủ đã kết thúc hội nghị trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc sau 1,5 ngày họp, để bàn về phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp thường kỳ hôm nay, Chính phủ xem xét, thảo luận về: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi), về Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025…

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2021, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ là rất nặng, với 72 văn bản, trong đó có 47 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021.

Ngoài ra, dự kiến các bộ còn phải xây dựng 32 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Một số luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết tương đối nhiều nội dung, ví dụ như Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với 40 nội dung giao quy định chi tiết; Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 30 nội dung giao quy định chi tiết. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với 67 nội dung giao quy định chi tiết…

Một số nội dung luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp; nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình trạng chậm, nợ văn bản giảm dần nhưng đến cuối năm 2020 có xu hướng tăng so với năm 2017. Một số văn bản nợ do chờ chủ trương của các cấp có thẩm quyền hoặc nội dung phức tạp, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, cân nhắc thời điểm ban hành phù hợp.

Về công tác xây dựng pháp luật năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Đây là sản phẩm sau Hội nghị toàn quốc do Chính phủ tổ chức về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào ngày 24/11/2020.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động phối hợp chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, tập trung soạn thảo, trình các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật 2021.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong đó lưu ý làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa 2 dự án Luật.

Bộ Công an cần tiếp thu ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó lưu ý về sự cần thiết ban hành, báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận cùng với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Các bộ, ngành chỉ đạo sát sao việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đối với các văn bản nợ ban hành.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ NNPTNT trình bày báo cáo tóm tắt về việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, phấn đấu có thêm ít nhất 1.776 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 80% từ mức 62% hiện nay.

Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến tổng huy động thực hiện chương trình hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với giai đoạn 2016-2020.

Về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là làm sao mức sống của nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số tốt hơn, “chứ không phải trong lúc khó khăn này chỉ tập trung làm hạ tầng”.

Các bộ, ngành phối hợp rà lại xem chỗ nào trùng lặp, chồng chéo, cố gắng bổ sung thêm nguồn để thực hiện chương trình này tốt nhất vì thiết thực với nhân dân.

Đối với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng xem xét, ban hành.

Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia.

Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 để làm căn cứ để xác định, nhận diện chính xác hơn, toàn diện hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời làm cơ sở thực tiễn để xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giai đoạn 2021-2025.

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều bao gồm đủ tiêu chí thu nhập và tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để xác định, nhận diện chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều; tiêu chí thu nhập tiệm cận bằng chuẩn mức sống tối thiểu.

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản nhất trí nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng ý chủ trương về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tin bài liên quan