Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Philip Fong/POOL/AFP
Tuyên bố của Thủ tướng Kishida Fumio được đưa ra sau vụ bê bối tài trợ chính trị liên quan đến các phe phái trong Đảng Dân chủ Tự do. Ông Kishida đã nỗ lực lấy lại niềm tin của công chúng vào chính trường bằng cách cố gắng cải tổ đảng.
Ông Kishida đã giải tán các phe phái trong đảng và trừng phạt các nhà lập pháp có liên quan đến vụ bê bối; đồng thời cũng đã cho sửa đổi luật kiểm soát quỹ chính trị.
Tuy nhiên, các cải cách của ông không ngăn được sự chỉ trích ngày càng tăng của công chúng đối với chính phủ nước này. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Kishida đang ở mức thấp.
Hiện xuất hiện mối lo ngại ngày càng lớn trong Đảng Dân chủ Tự do rằng đảng này sẽ gặp khó khăn trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.
Ông Kishida đảm nhiệm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 10/2021 và trở thành Thủ tướng tại vị lâu thứ tám trong thời kỳ hậu chiến của Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida đã đưa Nhật Bản thoát khỏi đại dịch Covid-19 bằng gói chi tiêu kích thích khổng lồ, nhưng sau đó đã bổ nhiệm ông Kazuo Ueda làm người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30-31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định nâng lãi suất qua đêm không thế chấp lên 0,25%, từ mức từ 0 - 0,1%. Đây là lần thứ hai cơ quan tiền tệ Nhật Bản tăng lãi suất trong năm nay sau lần đầu tiên vào ngày 19/3 khi họ dỡ bỏ chính sách lãi suất âm, chấm dứt mua cổ phiếu và kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu.
Động thái bất ngờ tăng lãi suất vào cuối tháng 7 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phần nào gây bất ổn cho thị trường chứng khoán nước này và khiến đồng yên giảm mạnh.
Mặc dù có một số phục hồi trong những tuần gần đây, đồng yên vẫn là một trong những loại tiền tệ hoạt động kém nhất thế giới trong năm qua, giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ.
Mặc dù là tin đáng mừng đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng điều này khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và thúc đẩy lạm phát cho các hộ gia đình.
Nếu "thông tin là chính xác, chúng ta nên mong đợi chính sách thắt chặt hơn hoặc các điều kiện tài chính, tiền tệ trung lập nhưng thắt chặt hơn một chút tùy thuộc vào ứng cử viên sắp tới", ông Shoki Omori, chiến lược gia trưởng tại công ty chứng khoán Mizuho Securities, bình luận.
"Nói tóm lại, các tài sản rủi ro, đặc biệt là cổ phiếu, có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất", ông Shoki lưu ý.
Người kế nhiệm ông Kishida mà Đảng Dân chủ Tự do lựa chọn có thể phải đối mặt với các vấn đề: chi phí sinh hoạt tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang và khả năng ông Donald Trump trở lại làm Tổng thống Mỹ vào năm tới.
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - đang phải gồng sức để lấy lại động lực tăng trưởng, với sản lượng kinh tế giảm 0,7 phần trăm trong quý I/2024.