Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ thảo luận dự thảo Nghị định về Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là văn bản quan trọng quy định tổng thể công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Nghị định sửa 38/41 điều, thêm 9 điều so với quy định hiện hành.
Văn bản này rất quan tâm đến cải cách hành chính, cũng như quy trình giải quyết các nhiệm vụ, nhất là về thẩm quyền giải quyết.
“Có ý kiến cho rằng chúng ta họp nhiều, như vậy thì phải xác định xem có đúng thẩm quyền không, trách nhiệm của các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ đã rõ chưa, để từ đó đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, không đẩy việc lên Chính phủ…”, ông Dũng nói.
Người phát ngôn Chính phủ cho biết, khi Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ mới được ban hành, sẽ khắc phục sự giao thoa về nhiệm vụ của các bộ, ngành, khắc phục các “khoảng trống” trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định để sớm ban hành. Sau khi văn bản này được ban hành, các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải nhanh chóng ban hành quy chế làm việc của bộ, địa phương.
Quy chế làm việc của Chính phủ có điểm mới là tạo sự chủ động cho các thành viên Chính phủ.
Liên quan đến triển khai quan điểm nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ mới là nói đi đôi với làm, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận xem bộ máy hành chính các cấp đã hướng về người dân và doanh nghiệp chưa. Thủ tướng muốn bộ máy chính quyền các cấp, từ xã, huyện, tỉnh phải chuyển động, chứ không chỉ Chính phủ chuyển động…
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sắp tới Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ, ngành, địa phương còn nợ đọng nhiều việc. Công tác này phải làm thường xuyên theo hướng đánh giá khách quan, công tâm, trong đó tập trung làm rõ nguyên nhân chủ quan để hàng tháng báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, để có hướng giải quyết...”, ông Dũng nói.