Dự lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương, các thành viên thị trường...
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
“Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong việc xây dựng, vận hành và quản lý thị trường chứng khoán không ngừng phát triển, ngày càng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế…”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại buổi lễ.
Ông Bằng cho biết thêm, sự phát triển của thị trường chứng khoán đã hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời góp phần huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng cường quản trị công ty, góp phần hoàn thiện cơ chế thị trường…
Sau khi chúc mừng những thành tựu mà ngành chứng khoán đã đạt được trong 20 năm phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: "thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, định hình cấu trúc hệ thống tài chính hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch".
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhìn nhận, bắt đầu với chỉ 2 mã cổ phiếu niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, tới nay, đã có hơn 1.000 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch (UpCom) trên 2 sở giao dịch chứng khoán. Tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Quy mô thị trường chứng khoán chiếm khoảng 63% GDP…
Đây là con số rất đáng khích lệ, khẳng định bước trưởng thành nhanh chóng của thị trường chứng khoán trong hệ thống tài chính của nước nhà.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Thủ tướng, vẫn còn một số hạn chế về khung khổ pháp lý, chất lượng hàng hóa, tổ chức thị trường. Cần khẩn trương khắc phục những hạn chế này để bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Thủ tướng đề nghị ngành chứng khoán tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính quốc gia; phát triển thị trường chứng khoán bền vững, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, chất lượng các chủ thể tham gia thị trường…
Phát triển thị trường chứng khoán bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất. Tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số…