Để tuột mất sân nhà
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo.
Quy mô, năng lực các doanh nghiệp cơ khí được nâng cao ở hầu hết các ngành cơ khí, từ chế tạo thiết bị toàn bộ, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất xe máy, chế tạo thiết bị thủy công, cho đến chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, thiết bị điện, cơ khí nông nghiệp.
Dù vậy, những hạn chế của ngành cơ khí vẫn là những đặc trưng nổi trội được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội nghị. Ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.
Sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.
KS. Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, dù dung lượng thị trường nội địa rất lớn, nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn yếu nên cơ khí Việt Nam thua ngay tại sân nhà.
"Cơ khí chế tạo vốn được coi là trụ cột của sản xuất công nghiệp, đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 - 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế", theo KS. Đào Phan Long.
Một số doanh nghiệp đã làm tổng thầu một số dự án điện, như Thủy điện Sơn La, mang lại nhiều chi phí cơ hội, giá thấp hơn nhiều thiết bị nhập khẩu. Một số ít doanh nghiệp đã vào được chuỗi giá trị toàn cầu, ngành dầu khí đã làm được giàn khoan tự nâng 90 mét nước. Ngành công nghiệp ô tô thì có Thaco, Vinfast, ngành máy động lực, máy nông nghiệp cũng đã có doanh nghiệp chế tạo máy xay xát xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới....
Nhưng bài toán cạnh tranh và đổi mới trong ngành cơ khí cũng không hề dễ dàng. "Lãi suất ngân hàng 9% thì đầu tư cơ khí thua rồi. Áp lực cạnh tranh với Trung Quốc rất lớn, họ có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam chưa đồng bộ tất cả các ngành, nội địa hóa trong nhiều ngành còn yếu nên dễ bị nước ngoài ép giá", ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) nêu thực tế.
Đổi mới tư duy đầu tư cơ khí
Đến dự "Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” sáng nay (24/9), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành cơ khí Việt Nam sau nhiều thập kỷ đầu tư, nhưng vẫn tụt hậu.
Thủ tướng thẳng thắn: "Tại sao nhiều địa phương chưa quan tâm đến cơ khí? Còn quá ít doanh nghiệp đầu tàu, nhân lực còn yếu và thiếu. Một thị trường xấp xỉ 100 triệu dân thì cơ khí phải là động lực cho phát triển các ngành kinh tế, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh".
Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới tư duy về đầu tư phát triển ngành cơ khí, kể cả chính sách đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm. Không có tầm nhìn thì khó mà phát triển. Đó là sự say mê nghề, tham gia nghiên cứu, sáng tạo trong sản xuất cơ khí chứ không phải lúc nào cũng tiền bạc. Thủ tướng khẳng định, sẽ tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò "bà đỡ".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sẽ có nghị quyết tốt cho cơ khí Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
"Tôi khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cung doanh nghiệp để đi đến đỉnh cao khoa học công nghệ, thông qua chính sách hỗ trợ, quy trọng doanh nhân, sẽ lắng nghe doanh nghiệp, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam... để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa ngành cơ khí phát triển. Thấy khó khăn mà bàn lùi thì không được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, triển vọng ngành cơ khí Việt Nam là rất lớn với quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo có thể đạt tới khoảng 310 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2030.
Dù còn nhiều hạn chế, nhưng đã có những doanh nghiệp đầu tư hiệu quả. Đó là mô hình đầu tư từng bước, đi từ gia công lắp ráp đến sản xuất chế tạo nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của Thaco.
Doanh nghiệp này đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất một cách tuần tự, từng bước tự động hóa, rô bốt hóa chậm, chắc theo quy mô phát triển thị trường, đạt chuẩn sản xuất tự động hóa, quản trị số hóa và tới nay đã đạt sản lượng trên 100.000 xe/năm. Ngoài cơ khí ô tô, Thaco cũng không bỏ qua các thị trường cơ khí khác, như cơ khí xây dựng, cơ khí nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Một mô hình "đi tắt đón đầu" của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup cũng là một điển hình làm cơ khí.
Trong một thời gian kỷ lục 21 tháng từ khi lên kịch bản, Vinfast đã lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng, thương thảo hợp đồng mua bản quyền, mua máy móc đến tổ chức sản xuất những mẫu xe máy, xe ô tô đầu tiên trên dây chuyền công nghệ hết sức hiện đại 4.0 với 1.200 rô bốt, hướng tới mục tiêu 250.000 xe ô tô/năm.
Đây có thể gọi là chiến lược đầu tư mới đi thẳng vào công nghệ 4.0; có thể dẫn đến những đột phá lớn trong phát triển ngành cơ khí chế tạo.