Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng công nhân ngày Quốc tế lao động 1.5 (ảnh Gia Huy)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng công nhân ngày Quốc tế lao động 1.5 (ảnh Gia Huy)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để lương công nhân tăng không kịp giá

Sáng 30.4, nhân ngày Quốc tế Lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp xúc với 3.500 công nhân 8 tỉnh( Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) tại tỉnh Đồng Nai. Tại buổi gặp gỡ, đã có nhiều câu hỏi được công nhân đặt ra cho Thủ tướng.      

Cùng đi với Thủ tướng đến dự buổi gặp gỡ với công nhân hôm nay có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Anh Vũ Duy Thơ, công nhân KCN Amata, Biên Hòa, Đồng Nai nêu băn khoăn với Thủ tướng về mức lương, mức sống của công nhân. Theo anh Thơ, tiền lương tối thiểu của công nhân lao động (CNLĐ) hiện nay còn thấp, lương tối thiểu cao nhất ở vùng 1 mới chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng. Ở vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến thu nhập của CNLĐ chưa đủ mức sống tối thiểu. Chính phủ có những giải pháp gì để nâng cao tiền lương, thu nhập cho CNLĐ trong thời gian tới? 

Dù bữa ăn 10 ngàn đồng hay 15 ngàn đồng cũng phải công khai. Quyết không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo, không để bữa ăn công nhân bị bớt xén.

Ghi nhận ý kiến của công nhân Vũ Duy Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đời sống công nhân, đặc biệt là tiền lương, thu nhập của công nhân lao động luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. 

"Trên lối đi vào, tôi hỏi về thu nhập của các anh chị em công nhân, tôi hỏi một loạt công nhân, có công nhân cho biết nhân 5 triệu, có công nhân thu nhập 10 triệu", Thủ tướng cho hay.

Tuy vậy, đời sống của công nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khi điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng lên 14%. Có ý kiến cho rằng tăng vậy không hợp lý, mà phù hợp với khu vực và quốc tế, bởi mức lương còn là để thu hút đầu tư. Có ý kiến tăng 6%, 10%. Trước vấn đề này, Hội đồng tiền lương quốc gia đã tăng 12%.

Mức tăng này được xem là phù hợp với tình hình hiện tại, phần nào góp phần nâng cao đời sống công nhân, góp phần làm cho công nhân ở các khu vực có đời sống tốt hơn. Sắp tới, khi tăng lương tối thiểu năm 2017, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ xem xét, làm sao đúng với quy định tại Bộ Luật lao động và phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Đại diện cho công nhân tỉnh Bình Dương, anh Trịnh Anh Tuấn nêu câu hỏi với Thủ tướng, rằng thời gian qua đã có tăng lương và chắc chắn sắp tới cũng sẽ có chính sách tăng lương cho người lao động, nhưng một trong những nỗi lo của công nhân là lương tăng, giá cũng tăng, Chính phủ có cách gì kìm chế tăng giá mỗi khi tăng lương không?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để giải quyết vấn đề này, Nhà nước sẽ giữ chỉ tiêu lạm phát không tăng, giữ bình ổn giá. Năm 2015 lạm phát 0,63%, lương tối thiểu vùng tăng 12%. Hệ thống cung ứng dịch vụ bán lẻ cần đáp ứng mọi nhu cầu của người lao động như: Bán lẻ tốt, cung ứng tốt, bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống công nhân với mức giá bình ổn. Không để tư thương ép giá công nhân.

Bên cạnh đó, khi điều chỉnh lương tối thiểu, cơ quan chức năng cần giám sát việc tăng lương đúng quy định, kiểm soát tăng giá, không để lương công nhân tăng không kịp với tăng giá.

Đại diện cho người lao động tỉnh Long An, chị Trịnh Thị Mai Thanh bày tỏ, thu nhập thấp quá, làm sao công nhân có nhà? Bên cạnh đó, việc gửi con ở nhà trẻ vẫn là vấn đề bức xúc của công nhân. Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này? 

Thừa nhận vấn đề nhà trẻ, nhà ở cho công nhân vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại dù Chính phủ đã có quy định nhưng triển khai còn bất cập, khiến công nhân khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý kiến của anh chị em công nhân, chỉ đạo các khu công nghiệp, các tỉnh chăm lo cho công nhân, có chính sách hỗ trợ để anh chị em công nhân tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội. Làm sao để tất cả anh chị em công nhân đều tiếp cận được nhà ở xã hội, mọi khu công nghiệp đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, không thể để công nhân đi làm tối ngày, dốc hết sức mà con lại thất học.

Anh Nguyễn Tấn Khang, công nhân đến từ tỉnh Tiền Giang thì hỏi Thủ tướng, phần lớn công nhân lao động ở trong các khu công nghiệp hiện nay đều là những người xa quê và trong độ tuổi thanh niên, nên nhu cầu về giải trí, văn hóa, sau giờ làm việc rất lớn. Thủ tướng có định hướng gì để giải quyết vấn đề này?

Khẳng định nhu cầu giải trí, văn hóa là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và cả công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúccho biết, Chính phủ đã ban hành đề án về phát triển đời sống văn hóa tinh thần, có một số nơi làm tốt như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương nhưng phải thừa nhận là có nhiều nơi làm chưa tốt.

"Cuộc gặp hôm nay có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư thành ủy TPHCM, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, các bộ, ngành… Tất cả những đơn vị, các đồng chí phải lắng nghe ý kiến của công nhân để sớm giải quyết, khắc phục", Thủ tướng nhắc nhở.

Đến từ Bà Rịa Vũng Tàu, công nhân Phan Thanh Tùng nêu vấn đề, hiện nay có nhiều doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khiến cho CNLĐ bị thiệt hại về lâu dài, khi nghỉ hưu không có lương hưu. Thủ tướng có biện pháp gì để doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động?

Trả lời thẳng thắng trước hàng ngàn công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHXH”.

“Câu hỏi này đúng là rất phù hợp với tình hình hiện nay. BHXH là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội, người lao động tham gia BHXH, để NLĐ về hưu có tiền lương hưu. Đảng và Nhà nước đã đưa những điều này thành luật định. Bên cạnh những doanh nghiệp, đơn vị làm tốt vẫn có những doanh nghiệp trốn đóng, không đóng, nợ BHXH kéo dài”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, sắp tới đây, theo luật mới, cơ quan BHXH được thanh tra quá trình đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp; lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có quy định về tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội. Người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù, doanh nghiệp trốn đóng BHXH bị xử phạt đến 3 tỉ đồng. Đây sẽ là hình phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm về BHXH, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bữa ăn công nhân cũng là vấn đề nóng trong buổi gặp gỡ và được chị Trần Thị Hằng Thu, KCN Đồng Xoài II, Bình Phước trình bày với Thủ tướng. Hiện nay bữa ăn công nghiệp chất lượng thấp, thực phẩm bẩn lại tràn lan trên thị trường, công nhân rất lo sợ doanh nghiệp mua thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để phục vụ bữa ăn cho công nhân. Như vậy thì làm sao kiểm soát được tình hình này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng cho biết, để đảm bảo chất lượng bữa ăn công nhân, việc đầu tiên, công đoàn cơ sở phải công khai thực đơn, giá cả từ bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn 10 ngàn đồng hay 15 ngàn đồng cũng phải công khai. Quyết không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo, không để bữa ăn công nhân bị bớt xén.

Để tìm được nguồn thực phẩm sạch, trước hết phải công bố nguồn gốc thực phẩm mà bếp ăn của doanh nghiệp sử dụng: Mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào để nếu xảy ra ngộ độc thì ông cán bộ cấp xã, ông chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm cho việc quản lý của mình.

Thách thức cạnh tranh trên thị trường lao động khi đất nước tham gia TPP cũng được công nhân quan tâm. Anh Nguyễn Văn Phê, đến từ KCX Linh Trung, TPHCM mong muốn Thủ tướng và Chính phủ có biện pháp hỗ trợ công nhân nâng cao tay nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo việc làm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đất nước ta đang hội nhập sâu. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Bên cạnh đó, cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31.12.2015, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác…

Để đáp ứng tình hình mới, công nhân phải học nữa, học mãi, phải không ngừng rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ, công nhân cũng phải học thêm cả ngoại ngữ để có thể đi ra thế giới. Nếu chúng ta không học, không tự nỗ lực thì dù ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng sẽ thua thiệt.

Ngoài các ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn cũng phải nhận trách nhiệm để tạo điều kiện cho công nhân có điều kiện học tập, nâng cao tay nghề.

Cũng trong buổi gặp gỡ, trao đổi với công nhân lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 24 tivi cho công nhân 8 tỉnh trọng điểm kinh tế phía nam. Thủ tướng phát biểu: “Đây là phần quà mang giá trị tinh thần, mong muốn anh em công nhân có điều kiện tiếp cận với các thông tin kinh tế - văn hóa – xã hội”. Cũng dịp này, hơn 3.000 công nhân cũng được Thủ tướng gửi tặng mỗi công nhân một cây viết, với thông điệp “Đây là động lực giúp công nhân không ngừng tiếp tục được học tập, trao dồi kiến thức”.

Tin bài liên quan