Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn

0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trước khi trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người sau cùng trả lời chất vấn trước Quốc hội tai nhiệm kỳ này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người sau cùng trả lời chất vấn trước Quốc hội tai nhiệm kỳ này.

Nhiều câu hỏi dành cho Thủ tướng

Người đứng đầu Chính phủ có mặt tại phòng họp Diên Hồng từ đầu giờ sáng. Phiên trả lời chất vấn của ông không chỉ khép lại hoạt động chất vấn ở kỳ họp này mà còn khép lại hoạt động chất vấn của cả nhiệm kỳ Quốc hội XIV.

Trong hai ngày chất vấn trước đó, nhiều đại biểu đã dành nhiều câu hỏi chất vấn Thủ tướng, từ giải pháp đột phá để đạt tăng trưởng 6% vào năm sau cho đến biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm sao để dân không khổ vì quy hoạch treo ...

Đầu giờ sáng 10/11 một số vị đại biểu tiếp tục chất vấn Thủ tướng. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) hỏi: "Thủ tướng có đồng ý chuyển quản lý cai nghiện tập trung từ Bộ Lao động - thương binh xã hội sang Bộ Công an hay không, đành rằng tôi biết Bộ Công an muốn quản lý giấy phép lái xe nhưng không muốn quản lý cai nghiện".

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi Thủ tướng về giải pháp căn cơ để thực hiện kỷ luật kỷ cương hành chính công vụ.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) chất vấn Thủ tướng vì sao vốn ODA giải ngân rất chậm, chỉ được 24,8%, nhiều đơn vị được giao vốn nhưng trả lại đến 68 ngàn tỷ đồng.

Chất vấn nữa từ đại biểu Kim là tại sao việc phát hiện và kỷ luật cán bộ cấp cao rất chậm, có trường hợp cả 7-8 năm thậm chí đến 10 năm mới đem ra xem xét giải quyết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu ) cho rằng Việt Nam đang có cơ hội đón dòng vốn đầu tư FDI công nghệ cao, chủ trương của nhà nước nhằm thu hút có chọn lọc đón dòng vốn đầu tư này là chất vấn đại biểu dành cho Thủ tướng.

Một năm 2020 "kỳ tích"

Mở đầu phần trình bày báo cáo, Thủ tướng nêu rõ những ngày qua, các nội dung thảo luận, chất vấn đã đi vào những vấn đề rất sâu sắc, thời sự, cấp thiết, từ việc phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế, chống dịch, phòng chống tham nhũng… thể hiện sự tâm huyết, nghiêm túc của các đại biểu quốc hội. thủ tướng và các thành viên Chính phủ tiếp thu sâu sắc các ý kiến, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để có thể đạt kết quả cao nhất so với các chỉ tiêu được giao.

Theo Thủ tướng, không chỉ năm 2020 mà từ đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối phó những thách thức lịch sử, từ thiên tai, hạn hán tới sự cố Formosa, dịch bệnh Covid-19, mưa lũ chưa từng có. Chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm qua. Mức tăng trưởng dương đạt được của năm 2020 là một kỳ tích”, Thủ tướng nhấn mạnh.

"Câu chuyện bó đũa" được Thủ tướng nhắc lại để khẳng định tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức cho đất nước. Năm 2020 thể hiện những dấu mốc cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng cảm ơn Quốc hội, các cơ quan tư pháp đã đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình 5 năm qua.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh kết quả tạo việc làm những năm qua, là yếu tố quan trọng trong các chính sách để giảm nghèo bền vững. Nhóm dân số trung lưu của Việt nam đang tăng mạnh, dự báo sẽ lên mức trên 50% dân số. Ghi nhận ý kiến của các đại biểu về hơn 1 triệu người đang có mức lương hưu quá thấp khi nghỉ hưu trước năm 1993, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết thấu đáo vấn đề này.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, Thủ tướng đánh giá, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ông nói, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu áp dụng tái phong tỏa, vì vậy không được chủ quan lơ là, đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vaccine…, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội...

Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp - Thủ tướng nhìn nhận.

Ông cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn. Ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những bất cập trong cơ chế chính sách, Thủ tướng nêu rõ đây là một trong những nội dung trọng tâm cần quan tâm.

Tăng trưởng 6% còn khiêm tốn

Kết quả đáng chú ý được Thủ tướng nêu là những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350 nghìn doanh nghiệp thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Mỗi năm, hàng triệu việc làm tạo ra trên cả nước. Ông cũng nhấn mạnh, mức tăng trưởng 6% đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến chính trị trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại rằng, ông đã từng nói nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ

Trong 2,5 ngày chất vấn, có khoảng gần 20 chất vấn trực tiếp dành cho Thủ tướng, ông nói đã ghi chép đầy đủ nhưng thời gian không nhiều nên ông chọn một số câu để trả lời.

Thứ nhất là về thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng nói , Covid 19 đã diễn ra trên toàn cầu, ngay bây giờ ở nhiều nơi dịch đã quay trở lại với tốc độ cao. Chúng ta đưa ra mục tiêu kép, đó là ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, đây là mục tiêu ưu tiên suốt từ đầu.

Để giữ nền kinh tế đất nước không bị tăng trưởng âm, chúng ta ổn định xã hội, nhất là ổn định sản xuất kinh doanh, tăng trưởng việc làm ở mức cần thiết.

Để thực hiện được mục tiêu kép, trước hết, theo Thủ tướng cần tinh thần đề cao tự lực tự cường, xây dựng nền kinh tế tự chủ cao, đảm bảo an ninh lương thực… Với kinh nghiệm chống Covid - 19 vừa qua, và nhờ các hiệp định, chúng ta xuất siêu gần 20 tỷ USD. Chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần này, đẩy mạnh thị trường trong nước - Thủ tướng nói.

Ông cũng nhắc đến chiến lược ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…, kết hợp kinh tế số, dịch vụ, lưu thông, phân phối… Ngành du lịch phát triển tại chỗ, home stay… dân số chúng ta đông là tiềm lực cần phát huy - Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó cần phát triển đô thị hóa, nhiều đường hơn, nhiều cây xanh hơn.

Trước Quốc hội, ông cũng đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng rừng và cây xanh đô thị.

Thu hút người tài làm quản trị đất nước

Trả lời về chính sách thu hút nhân tài, thu hút thanh niên xuất sắc, Thủ tướng nói, đây là vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ quyết vấn này, có tiêu chí để thu hút nhiều nhân tài cho đất nước.

Người có tài đức phải được tạo điều kiện, cất nhắc, đề bạt. Nhân tài có thể làm doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, nhưng riêng khối nhà nước phải thu hút nhiều người tài vào làm quản trị đất nước.

Trả lời chất vấn về văn hóa từ chức, Thủ tướng nêu rõ Luật cán bộ công chức có quy định cán bộ không đủ năng lực, uy tín, có lý do khác thì được thôi giữ chức vụ. Quyết định của Thủ tướng cũng nêu là cán bộ chủ động xin thôi khi không đáp ứng yêu cầu công việc.

Giữ kinh tế vĩ mô ổn định

Về bài toán cân đối ngân sách được nhiêu đại biểu quan tâm, người đứng đầu Chính phủ hồi âm, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170 nghìn tỷ so với năm 2020.

Về giải pháp, theo Thủ tướng, trước hết, phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này.

Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công Sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ.

Giải pháp tiếp theo được Thủ tướng nêu là tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế. Thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…

Trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong lúc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta phải giữ được kinh tế vĩ mô ổn định - thủ tướng nêu quan điểm.

Tin bài liên quan