Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam đang thực hiện 5 giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam đang thực hiện 5 giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2014, với chủ đề “Từ chương trình tới hành động: Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức, diễn ra sáng nay (5/6).

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị, nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, qua đó, gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Việt Nam đã và tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ đó đến nay đã thu hút được lượng lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư. Doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đồng thời dẫn chứng, một trong những con số chứng minh sinh động cho vai trò ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam là trong năm 2013, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, thông qua ý kiến của đại diện các cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ trưởng Vinh cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn khá nhiều vướng mắc, nên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng nhà đầu tư, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Qua đó, giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư, đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh.

Cũng theo Bộ trưởng Vinh, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các FDI tại VBF giữa kỳ năm nay, là những tác động tiêu cực mà các DN đang phải gánh chịu do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để biểu thị lòng yêu nước, người dân Việt Nam đã biểu tình phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi dụng lòng yêu nước của người dân, các phần tử xấu đã kích động một số đối tượng đập phá, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngoài xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, Chính phủ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm trở lại hoạt động bình thường.

“Tính chất khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, để giải quyết nhanh khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tới 6 văn bản để chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp…”, ông Vinh nói và cho biết thêm, nhờ đó đến nay có trên 99% doanh nghiệp bị thiệt hại đã quay lại hoạt động. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ không để tái diễn các sự cố tương tự, để đảm bảo cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, kinh doanh an toàn, hiện quả.

Nói về các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó gồm 5 giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiệu quả, đầy đủ và năng động hơn, đồng thời chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh hơn phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế,  Đặc biệt, Việt Nam đang sửa đổi nhiều luật quan trọng, trong đó có Luật Doanh nghiệp, để cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của người dân và nhà đầu tư như Hiến pháp mới đã quy định.

“Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng trong thẩm quyền của mình, tập trung giải quyết các kiến nghị hợp lý mà các doanh nghiệp nêu ra tại Diễn đàn này. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị giao các bộ, ngành giải quyết theo hướng thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế, minh bạch, bình đẳng…”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, để đạt hiệu quả cao hơn, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trong quá trình này, Việt Nam tạo mọi điều kiện để phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi đây là động lực quan trọng cho thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững. Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút mạnh hơn nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia của các đối tác tư nhân trong và ngoài nước vào phát tiển hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là thông qua cơ chế hợp tác đối tác công tư.

Thứ tư, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền; quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả; nhà nước trong sạch, vững mạnh, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, Việt Nam tiếp tục tăng cường ổn định vững chắc an ninh, an toàn, đảm bảo môi trường sống yên bình của mọi người dân, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn truyệt đối cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.

Tin bài liên quan