Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ai không quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, xin mời làm việc khác

(ĐTCK) Theo Văn phòng Chính phủ, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chiếm phần lớn thời gian thảo luận của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm 2014, diễn ra ngày 30/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ai không quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, xin mời làm việc khác

Mới cải cách “trên giấy”

Báo cáo về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, sau hơn 9 tháng thực hiện Nghị quyết 19/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, trong số 7 giải pháp tổng thể, thì 4 giải pháp đã được thực hiện và bước đầu có kết quả; 1 giải pháp được thực hiện song chưa có kết quả rõ ràng; 2 giải pháp chưa được thực hiện.

Trong 49 giải pháp cụ thể, 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm 16,3%); 16 giải pháp được thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng (chiếm 32,7%); 25 giải pháp chưa thực hiện (chiếm 51%).

“Chưa có một Nghị quyết chuyên đề nào mới được ban hành hơn 9 tháng, mà Chính phủ đã 2 lần kiểm điểm kết quả thực hiện như Nghị quyết 19/2014. Lần kiểm điểm thứ nhất đã diễn ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, sau nửa năm triển khai Nghị quyết...”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thực hiện nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã bám sát yêu cầu của Nghị quyết 19/2014.

Với mục tiêu tăng cường hiệu lực bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, của cổ đông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông. Xếp hạng chỉ số “bảo vệ nhà đầu tư” của Việt Nam, dự kiến tăng lên vị trí 52 so với vị trí 157 (theo Doing Business 2014).

Để đơn giản hóa thủ tục khởi sự kinh doanh, Luật Doanh nghiệp đã giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 5 ngày (thay vì 10 thủ tục với 34 ngày như trước đây), trong đó thời gian đăng ký kinh doanh là 5 ngày (ít hơn 1 ngày so với yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 19/2014).

Với thay đổi này, “khởi sự kinh doanh” ở Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể, dự kiến tăng 50 thứ hạng từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số giải pháp nêu ra tại Nghị quyết 19/2014 được đã thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan xuống 14 ngày đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và 13 ngày với hàng hóa nhập khẩu (hiện là 21 ngày). Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành (chiếm 72% thời gian thông quan), gắn với trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan khác nhau…

Các giải pháp này tuy đã được Bộ Tài chính tích cực triển khai thực hiện, nhưng chưa đem lại kết quả rõ ràng. Một số bộ, cơ quan đã triển khai thực hiện các giải pháp, song đa số giải pháp cũng chưa có kết quả rõ ràng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu  tư cũng chỉ ra một số giải pháp chưa được thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp liên quan đến Luật Phá sản để giảm thời gian xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán xuống tối đa 30 tháng (hiện là 60 tháng). Nguyên nhân là Luật Phá sản vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực triển hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, có 5 bộ hầu như chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với những giải pháp đã và đang triển khai, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tăng lên thứ hạng 56, so với vị trí thứ 99 trong báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 10/2013.

Quyết liệt tạo chuyển biến mạnh từ năm 2015

Để tạo bước chuyển mạnh hơn về cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị, trong năm 2015, cần tập trung thực hiện cải cách các chỉ số về thực thi hợp đồng, thủ tục phá sản doanh nghiệp, cấp phép xây dựng; rà soát thủ tục kiểm tra, quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; rà soát danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện tương ứng, theo hướng chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết...

Kết luận phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, thủ tục rườm rà, gây khó khăn, cản trở, những hạn chế, yếu kém đó cấp nào cũng nói, ngành nào cũng nói, hội nghị nào cũng nói, nhưng khó khăn cản trở ở đâu, làm thế nào?

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 19/2014. Đồng thời, ngay từ đầu năm 2015, công khai chỉ số cải cách hành chính của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Làm được cũng minh bạch, chưa được cũng phải minh bạch để phấn đấu.

Thủ tướng đồng ý Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết mới tiếp tục tinh thần của Nghị quyết 19/2014 ngay đầu năm 2015, trong đó chỉ rõ những việc cần làm trong từng lĩnh vực.

“Thực tế cho thấy nếu chúng ta làm quyết liệt sẽ có kết quả cụ thể. Phải chỉ rõ phiền hà, vướng mắc ở đâu, sửa chỗ nào, ai sửa, lúc nào sửa xong… thì mới tiến bộ được. Nếu người đứng đầu cơ quan nào không làm được thì mời làm việc khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan