Thủ tướng: Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần rút kinh nghiệm về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường, việc này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu trước Quốc hội, chiều 5/11.

Phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Báo cáo một số vấn đề trước khi nhận chất vấn trực tiếp, về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng nói, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

"Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường, nhưng đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Về giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Chương trình này.

Ước giải ngân kế hoạch vốn NSNN từ đầu năm đến 31/10/2022 đạt 297,8/580 nghìn tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối là 40,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 15,7% so với số giải ngân cùng kỳ năm 2021) . Triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đạt một số kết quả bước đầu, nhất là các chính sách giãn thuế, tiền thuê đất, miễn thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ tiền thuê nhà.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình này chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri. Số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương chiếm 30,5%; các địa phương chiếm 69,5%. Vẫn còn 8,3% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa phân bổ; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành ở một số địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan, địa phương chưa sát với thực tế; cơ chế giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, chưa được giải quyết. Quy trình, thủ tục còn mất nhiều thời gian. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa phát huy tốt vai trò người đứng đầu; có tâm lý sợ trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, nghiêm minh...

"Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch", Thủ tướng cho biết.

Tin bài liên quan