Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết, 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 387.000 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, 4 tháng đầu năm, TP.HCM đạt 1,3 triệu lượt khách du lịch, giảm 55% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch chỉ đạt 26.000 tỷ đồng, giảm 42,6%.
“4 tháng qua, TP.HCM có 11.224 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với số vốn hoạt động trên 148.000 tỷ đồng, dù có giảm nhưng xu thế này tăng hơn quý I/2020. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, dù có khó khăn nhưng TP.HCM vẫn thu hút 1,3 tỷ USD”, ông Phong nói.
Ông Phong cho biết thêm, về thu ngân sách, 4 tháng đầu năm 2020, TP.HCM thu 120.703 tỷ đồng, đạt 29,74% so với dự toán năm, giảm 9,8% so với cùng kỳ và đạt 24,56% tổng thu ngân sách cả nước (491.000 tỷ đồng).
Về các điểm sáng của kinh tế TP.HCM, giải ngân vốn đầu tư công là một điểm sáng của Thành phố, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,08 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, TP.HCM trong thời gian qua và hiện nay đều kiểm soát tốt tình hình dịch, hiện vẫn có sự giao ban hàng ngày về tình hình dịch. Thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chính sách của Thành phố, thời gian qua Thành phố đã chi gần 700 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, để phục hồi kinh tế trong bối cảnh vẫn kiểm soát tốt dịch, Thành phố đã ban hành 7 bộ tiêu chí về đánh giá an toàn dịch ở các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan. Học sinh TP.HCM đã đi học trở lại, bước đầu bảo đảm an toàn, TP.HCM quán triệt tinh thần không được chủ quan, lơ là.
Trong tháng 5 cũng như các tháng tới, TP.HCM vẫn xác định nhiệm vụ quan trọng về phòng chống dịch Covid-19, đồng thời triển khai các giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới. Thành phố cũng xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để làm động lực thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
“TP.HCM đã nghiên cứu xây dựng kịch bản tăng trưởng để dự báo chính xác kinh tế từng quý, hiện nay các đơn vị chức năng của Thành phố đã trình kịch bản tăng trưởng cho từng quý cũng như cả năm của TP.HCM. Về khả năng tăng trưởng, TP.HCM dự báo tăng trưởng năm 2020 là 5% trong bối cảnh tình hình kinh tế của thế giới không rơi vào suy thoái”, ông Phong nói.
Phát biểu mở đầu cho buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TP.HCM đã có công tác phòng chống dịch covid-19 hết sức nhanh chóng, quyết liệt.
“Với sự chỉ đạo cương quyết, sáng tạo của thành phố, nhiều mô hình, nhiều cách làm hay. Trong khó khăn của thế giới cũng như trong nước, TP.HCM luôn năng động sáng tạo, đặc biệt luôn có nhiều mô hình doanh nghiệp tốt nên kinh tế TP.HCM vẫn không đỗ gãy”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm, TP.HCM đã phát huy đươc truyền thống thành phố nghĩa tình, tương thân tương ái, như câu chuyện ATM gạo, nhiều doanh nhân làm các hành động đáng trân trọng và TP.HCM cũng là một trong những địa phương thực hiện sớm nhất gói an sinh xã hội.
Đối với tình hình phát triển kinh tế cuả TP.HCM, Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, TP.HCM chiếm tỷ trọng phát triển kinh tế cao, cho nên nếu Thành phố suy giảm sâu về kinh tế thì cả nước sẽ bị ảnh hưởng.
“Theo số liệu thống kê thì Thành phố chỉ tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ, đến nay khi rà soát lại thì Thành phố đã tăng trưởng 1,3%. Câu hỏi đặt ra trong hội nghị này là giải pháp sắp tới ra sao, TP.HCM khôi phục kinh tế như thế nào? Những giải pháp đặt ra để khôi phục kinh tế TP.HCM là điều hết sức quan trọng, giải pháp là quan trọng chứ không phải nói đến tình hình hiện nay”, Thủ tưởng đặt vấn đề.