Ông Jonathan bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam được gần 4 năm, kể từ năm 2015 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn dự kiến và được bổ nhiệm vào vị trí mới là Phó Giám đốc Văn phòng của IMF tại châu Á-Thái Bình Dương (OAP) tại Nhật Bản nhằm hỗ trợ cho Nhật Bản là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019.
Ghi nhận những đóng góp của ông Jonathan đối với Việt Nam trong thời gian qua, Thủ tướng chúc mừng ông được bổ nhiệm vào vị trí mới, thể hiện sự đánh giá cao của Ban lãnh đạo IMF đối với các thành tích của cá nhân ông.
Thủ tướng hy vọng, với vai trò mới, ông Jonathan sẽ trở thành cầu nối giữa Việt Nam và IMF, tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và IMF; mong muốn ông tiếp tục có các khuyến nghị sớm cho Việt Nam, nhất là về chính sách tiền tệ trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp như nhận định của Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde là có các “đám mây đen lớn” tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng cũng mong muốn IMF hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát (khu vực kinh tế phi chính thức), được xem là chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP. Thủ tướng đề nghị, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, IMF giúp Việt Nam trong việc tính toán khu vực kinh tế này một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực, khoa học.
“Dù trên cương vị nào, Ngài luôn là người bạn thân thiết của Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ và chúc ông Jonathan Dunn thành công trên cương vị mới.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cảm ơn sự hợp tác của Việt Nam trong thời gian qua, ông Jonathan Dunn đánh giá cao sự phát triển cũng như các chính sách kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Ông nhìn nhận, khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài đã được cải thiện hơn. “Tôi vinh dự khi được tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cương vị mới”, ông bày tỏ.
Ông cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo IMF về đề nghị của Thủ tướng trong việc hỗ trợ Việt Nam tính toán, thống kê khu vực kinh tế không chính thức và ông tin rằng, IMF sẽ giúp Việt Nam đo lường tốt hơn sản lượng quốc gia.
Bởi theo ông, ngay cả số liệu thống kê khu vực kinh tế chính thức trong GDP của Việt Nam cũng chưa được phản ánh một cách đầy đủ khi GDP của Việt Nam có các trọng số, quyền số mà 10 năm mới cập nhật một lần, lần gần đây nhất là vào năm 2012. Trong khi đó, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi lớn thời gian qua.
Vì vậy, ông tin rằng, khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể. Ông cho biết, khi công tác tại Nhật Bản thì ông sẽ có dịp quan sát những thay đổi này ở Việt Nam.