Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ TT&TT là đơn vị thứ 40 được kiểm tra và là cuộc kiểm tra thứ 8 về công tác cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời hoan nghênh, khen ngợi Bộ đã làm tốt nhiều việc, trước hết là trong công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước, các sự kiện trọng đại như Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua.
Thứ hai, việc Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội được dư luận, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá rất cao. Trước những vấn đề đại biểu, xã hội quan tâm, Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, có căn cứ, cơ sở thực tiễn. “Những việc đó là thành công chung của Bộ, trong đó có vai trò, trách nhiệm Bộ trưởng”, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Thứ ba, trong thời gian qua Bộ đã rất quan tâm xây dựng thể chế, trong một thời gian ngắn đã trình Chính phủ ban hành 5 nghị định, Bộ cũng đã ban hành 7 thông tư… Đây là cố gắng nhằm thực hiện chỉ đạo chung của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ kiến tạo, không nợ đọng văn bản.
Đặc biệt, thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo minh bạch, đồng thuận, có tác động tích cực. Đồng thời xử lý các thông tin sai sự thật, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí. Có nhiều giải pháp quản lý tài nguyên viễn thông, hạ tầng viễn thông…
Trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã chủ động rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết. Bộ đã ban đầu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, thống nhất với Bộ VHTT&DL thống nhất danh mục kiểm tra.
“Công tác kiểm tra chuyên ngành đang được DN quan tâm và là bức xúc, rào cản lớn, đây là tình hình chung”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và nhắc tới các bất cập trong hoạt động này như tình trạng một mặt hàng bị nhiều văn bản điều chỉnh, bị kiểm tra bởi 2-3 Bộ hay nhiều đơn vị trong cùng một Bộ. Kiểm tra 100% lô hàng, không kiểm tra rủi ro hoặc kiểm tra rủi ro rất hạn chế. Tiền kiểm là chính chứ không hậu kiểm. Tính chung, mỗi năm doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 15 nghìn tỷ đồng chi phí cho công tác kiểm tra chuyên ngành.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ TT&TT giải trình, làm rõ nguyên nhân dẫn tới 4 nhiệm vụ chậm trễ, quá hạn trong tống số 528 nhiệm vụ được giao từ đầu năm tới nay. Đồng thời cho biết Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tiếp tục hết sức lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, hết sức quan tâm công tác quản lý báo chí. Hiện số lượng các cơ quan báo chí rất lớn, nhưng chất lượng chưa tương ứng, có tình trạng thương mại hóa báo chí, báo chí đưa tin giật gân câu khách không phù hợp thuần phong mỹ tục… Việc quản lý phóng viên thường trú, văn phòng đại diện, tình trạng các phóng viên vi phạm pháp luật… đã được xử lý, chấn chỉnh nhưng cần làm tốt hơn.
Thứ hai, rất quan tâm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thương mại điện tử, kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia… hiện chưa đạt như mong muốn.
Thứ ba, vừa qua Bộ đã quyết liệt xử lý tình trạng vấn đề sim rác, sim kích hoạt sẵn, vi phạm trong quảng cáo… nhưng cần tiếp tục thực hiện.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm vấn đề an toàn thông tin, đấu tranh phản bác tin độc, tin xấu.
Thứ năm, quản lý tốt hơn các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ về nhân sự, quản trị, điều hành, hiệu quả kinh doanh… Đây là quan tâm chung của Thủ tướng với các bộ, trong đó có Bộ TT&TT.
Riêng trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, Bộ cần tiếp tục lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất là những bất cập trong quy định về hoạt động in. Chẳng hạn Nghị định 60 năm 2014 quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng về in hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo.
“Quy định này có sát thực tế không. Chúng tôi cho là không, gây khó khăn cho sản xuất. Nếu cứ quy định thế thì rất khó cho DN. Đây là tổng hợp của các hiệp hội. Ngay cả các quy định về quản lý thiết bị in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm như in trên vải, gạch, nhựa… cũng bất hợp lý”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Thứ hai là quy định cấp giấy phép nhập khẩu với thiết bị thu- phát sóng vô tuyến điện. Mặt hàng này vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải có giấy cấp phép nhập khẩu, cần xem xét vì có sự chồng lấn, kéo dài thời gian lưu kho của DN.
Thứ ba là một số vướng mắc liên quan tới Nghị định 187 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về giấy phép nhập khẩu, kinh doanh thiết bị an toàn thông tin mạng.
Thứ tư, các DN khi xin giấy phép xuất nhập khẩu các thiết bị an toàn thông tin mạng thì phải có giấy phép kinh doanh. DN cho rằng yêu cầu này là không cần thiết.
Thứ năm là chưa đẩy mạnh công nhận lẫn nhau. Đây là vấn đề chung của nhiều Bộ. “Chúng ta cần công nhận sản phẩm của các nước tiên tiến như G7, như mặt hàng Iphone. Nhiều mặt hàng thử nghiệm chưa có quy chuẩn mà ta vẫn kiểm tra”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Thứ sáu, Bộ cần đẩy mạnh việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
“Một lần nữa xin được chuyển lời của Thủ tướng khen ngợi, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan từ 35% hiện nay xuống còn 15%”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và cho biết sắp tới Chính phủ sẽ bàn sâu về lĩnh vực logistics để tiếp tục cắt giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về buổi kiểm tra.
Bộ TT&TT cho biết, tính từ đầu năm tới ngày 10/11, Bộ được giao 528 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 308 nhiệm vụ, 216 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, chỉ có 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Cũng theo Bộ TT&TT, Bộ đang tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cải cách các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể là kiến nghị Chính phủ không đưa quy định cấp giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, đồng thời bãi bỏ quy định liên quan trong Nghị định 187 năm 2013.
Bộ cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60 năm 2014 về hoạt động in, bám sát yêu cầu của Chính phủ, như bãi bỏ 9 thủ tục, quy định. Đồng thời Bộ cũng đề nghị bãi bỏ thêm 6 quy định.