Trước đó Báo Đầu tư – baodautu.vn đã có bài viết "Cơ chế nào hút vốn đầu tư vào điện" có nội dung phản ánh: nhiều chuyên gia cho rằng, các mục tiêu được nêu trong Đề án Quy hoạch điện VIII khá lớn, không dễ thực hiện nếu so với hiện trạng ngành điện hiện nay. Đề án có nhắc tới các giải pháp về giá điện và huy động vốn đầu tư, nhưng khá chung chung nên sẽ là thách thức lớn khi muốn huy động 12-13 tỷ USD/năm cho ngành điện.
Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình xây dựng, ban hành và quản lý Quy hoạch điện VIII.
Cơ chế nào hút vốn đầu tư vào ngành điện
Theo tính toán của Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn 2020 - 2030, tổng công suất nguồn của hệ thống sẽ tăng thêm 80.000 MW so với gần 60.000 MW hiện đang có.
Với dự kiến này, các nguồn điện lớn (điện than, khí và LNG) sẽ tăng thêm 30.000 MW; điện gió các loại và điện mặt trời dự kiến tăng thêm 30.000 MW. Để thực hiện mục tiêu này, Đề án cũng tính toán, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28. Còn trong giai đoạn 2031 - 2045, nhu cầu vốn đầu tư là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26.
"Mong muốn xây dựng được bản Quy hoạch điện VIII có hiệu quả, có tính khả thi khi đưa vào triển khai, thực hiện, đáp ứng sự mong mỏi của những cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện lực cũng đòi hỏi cần thiết phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công các dự án điện, nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét.