Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần thứ III, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, người dân và doanh nghiệp là trung tâm của quá trình chuyển đổi số (Ảnh: VnExpress)
Phát biểu “chia sẻ suy nghĩ” tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần thứ III vào chiều nay (11/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong quá trình chuyển đổi số, các ngành đã vào cuộc, điều này thiết thực với cuộc sống, phù hợp với tình hình, đòi hỏi của đất nước, có lợi với người dân. Quá trình góp phần làm cho đất nước hùng cường.
Bên cạnh vui mừng, Thủ tướng lo lắng vì chuyển đổi số có tham vọng lớn, yêu cầu cao trong khi thời gian có hạn. Theo ông, chúng ta giải quyết mâu thuẫn này, để sang năm, tại sự kiện Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, người dân hưởng lợi so với 2021. "Năm 2022 mà không tốt hơn hơn 2021 thì hội nghị hôm nay không đáp ứng với sự mong mỏi của nhân dân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ thêm, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, không thực hiện thì không phát triển. Nếu đất nước làm được điều này thì phục vụ cho sự phát triển chung. Chuyển đổi số là xu thế của toàn cầu, không phải mình Việt Nam thực hiện. Vì vậy, đất nước cần có cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình, do đó phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi.
Bên cạnh việc tiếp cận toàn cầu, chuyển đổi số ảnh hưởng đến toàn dân, giải quyết tất cả những bức xúc của người dân. Tiếp cận toàn dân là lấy người dân làm trọng tâm, doanh nghiệp phục vụ nhân dân. Tham gia vào quá trình này, người dân - doanh nghiệp là trung tâm.
Đồng thời, mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp. Song hành, người dân và doanh nghiệp cần tham gia quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất. Thủ tướng tán thành với phát biểu của nhiều đại biểu tham dự sự kiện là phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. "Dân tộc ta càng khó khăn, phức tạp càng đoàn kết, phấn đấu vươn lên. Đây chính là cơ hội để phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong quá trình chuyển đổi, chúng ta vẫn phải tự lực, tự cường để vươn lên. Nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, có tính quyết định, bên ngoài là đột phá. Bên trong ở đây gồm truyền thống lịch sử văn hóa, phát huy trí tuệ con người Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam có quy mô nền kinh tế nhỏ, tài chính ít, cần có sự hỗ trợ bên ngoài bằng mọi hình thức. Đất nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh. Bây giờ hội nhập, đất nước phải quản trị toàn cầu.
Trả lời câu hỏi: "Chuyển đổi số tham gia vào những vấn đề gì", Thủ tướng cho biết, chuyển đổi số tham gia vào phát triển kinh tế, phòng chống Covid-19. Ngoài ra, quá trình góp phần chống biến đổi khí hậu, phục vụ cho khắc phục cạn kiệt tài nguyên, tạo ra năng lượng xanh, sạch.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số cần tránh hai khuynh hướng nóng vội, cầu toàn, điều nào chưa rõ thì doanh nghiệp làm thí điểm, rút kinh nghiệm dần. Quá trình cần tăng cường lãnh đạo của các cấp, ngành. Lãnh đạo vạch ra đường lối, chủ trương, chương trình kế hoạch, lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Chúng ta cần hoàn thiện thể chế. Cuộc sống là vận động phát triển, do đó thể chế cần tháo gỡ các vấn đề thực tiễn.
Về quản lý nhà nước, phải tạo ra nguồn lực, thể chế chính sách, tăng cường giám sát kiểm tra, nhưng phải tạo thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp cần cái gì phải đề xuất, cái gì thuộc thẩm quyền của các bộ thì các bộ giải quyết, cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết, cái gì vượt quá thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền. Nói như thế không có nghĩa doanh nghiệp đề xuất cái gì thì mới làm cái đó, nhưng phải có sự tương tác, thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông.
Thủ tướng cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số cần phát triển nguồn nhân lực số, tài chính số. Song hành, chuyển đổi số cần dựa trên nền tảng sáng tạo. "Động lực của đổi mới sáng tạo chính từ khó khăn, thách thức, đặt ra các mục tiêu cao hơn. Sáng tạo cũng cần bám sát thực tiễn", Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đặc biệt trong các ngành ngân hàng, thuế, hải quan, giáo dục đào tạo.
“Thời gian ít, chúng tôi chia sẻ một số suy nghĩ như vậy. Chúng ta cùng làm, cùng hưởng, tinh thần chung là ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’. Tôi rất mừng là tư tưởng đã thông, suy nghĩ đã chín, quyết tâm thì cao, bây giờ cần hành động quyết liệt, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy. Làm phải có hiệu quả, hiệu quả cuối cùng là cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Đấy là khát khao, mục tiêu lớn nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải thưởng cho những doanh nghiệp đạt giải cao nhất tại Giải thưởng Make in Vietnam 2021 (Ảnh: VnExpress) |
Phát biểu đáp từ khép lại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, sự kiện ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với tự cường Việt Nam, đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với tinh thần Make in Vietnam.
"Rất nhiều chia sẻ của Thủ tướng về những nỗi đau của đất nước, như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế. Đó chính là động lực để người Việt Nam, 'anh em chúng ta' - giới công nghệ giải quyết những nỗi đau đó, đưa Việt Nam hùng cường thịnh vượng, hoà bình lâu dài", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
"Chúng tôi xin nhận những nhiệm vụ, dùng công nghệ số, giải pháp số và trí tuệ Việt Nam, sự đổi mới sáng tạo Việt Nam để giải quyết những bài toán đó. Chúng tôi luôn luôn có niềm tin rằng công nghệ số giải được nhiều, rất nhiều bài toán khó, kéo dài với nhân loại và Việt Nam. Còn bây giờ là lúc hành động, hành động nhanh và hiệu quả", Bộ trưởng nói.