Hội nghị sẽ xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc để định hướng các phiên thảo luận tại Hội nghị.
Nhận diện các thách thức
Vùng ĐBSCL bao gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng). Hằng năm vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng GDP của cả nước với các mặt hàng chủ lực của vùng: Gạo, trái cây, thủy sản…
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm vừa qua nhưng phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL chưa thật sự bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Công nghiệp, dịch vụ các tỉnh vùng ĐBSCL chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, giá trị gia tăng thấp. Liên kết thị trường nội vùng ĐBSCL và liên kết với các khu vực phát triển khác như TPHCM, khu vực Đông Nam Bộ, các quốc gia lưu vực sông Mekong… còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó rõ rệt nhất là cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động có kỹ năng, trình độ cao…
Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100; thảo luận về cơ chế điều phối hiệu quả cho việc thực hiện các hoạt động có quy mô lớn, mang tính chất liên vùng và liên ngành tại ĐBSCL; xác định nhu cầu nguồn lực cho việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL, các giải pháp huy động từ các nguồn khác nhau và cơ chế điều phối nguồn lực phù hợp để thực hiện chuyển đổi.
Cần giải pháp đột phá
Ngày 26/9, sẽ diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề về: "Định hình chiến lược phát triển bền vững" và "Huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL".
Các đại biểu sẽ thảo luận song song tại các phòng chuyên đề các nội dung: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL; nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tại và sạt lở; quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL. Sau các phiên chuyên đề, các đại biểu thảo luận chung về huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL.
Hội nghị sẽ đi sâu vào thảo luận các vấn đề toàn diện như: Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL; thách thức và giải pháp về quản lý tài nguyên nước tại ĐBSCL; định hướng chuyển đổi quy mô lớn về mô hình phát triển ĐBSCL; an toàn nước sạch vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải pháp chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng tại ĐBSCL, định hướng thủy lợi phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu;
Thông qua Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, Tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, các đề xuất phải bảo đảm tính khả thi, có tính chất liên vùng để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL.
* Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 26-27/9. Hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân trong vùng ĐBSCL và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tập trung thảo luận về hàng loạt nội dung lớn.
* Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng sẽ đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững tại ĐBSCL; quan điểm của các đối tác phát triển về các giải pháp chuyển đổi phù hợp với điều kiện tự nhiên của ĐBSCL; quản lý tổng hợp vùng bờ, phòng chống sạt lở tại ĐBSCL; cách tiếp cận chuyển đổi có tính đến rủi ro khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại ĐBSCL.
Các chuyên gia, các nhà khoa học như GS.TSKH Võ Tòng Xuân, GS. TSKH Đào Xuân Học, GS. Đặng Hùng Võ, TS. Hoàng Ngọc Phong, ThS. Nguyễn Hữu Thiện sẽ trình bày các tham luận tâm huyết về: Thực trạng và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp-công nghiệp và phân bố không gian sản xuất tại ĐBSCL; giải pháp thủy lợi cho vùng ĐBSCL; chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế; Ba thách thức đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL – kiến nghị chiến lược ứng phó và phát triển.