Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2019 vừa diễn ra sáng 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành quả đạt được của nền kinh tế nói chung, trong đó có đóng góp và nỗ lực quan trọng của ngành công thương.
Nhiều chỉ tiêu đã vượt xa yêu cầu đặt ra trong năm 2018. Công nghiệp và thương mại đóng góp đến 80% GDP, hiện chiếm 0,29% GDP (trong khi các năm trước chỉ chiếm 0,18%).Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; xuất siêu 7,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017.
Là nước có quy mô dân số đứng thứ 12-13 trên thế giới, nhưng Việt Nam có một số ngành hàng đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD; 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực FDI….
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự nỗ lực đi tiên phong của Bộ này trong cắt giảm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm hơn nữa, giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng có điều kiện phát triển, không vì quyền lợi cục bộ của ngành mình mà hạn chế toàn xã hội phát triển
Thủ tướng yêu cầu ngoài thực hiện tốt hơn nữa 9 nhiệm vụ đã giao cho ngành công thương từ năm ngoái, năm nay cần làm sao để các hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, phải có chiều sâu hơn nữa, thúc đẩy sản xuất theo hướng tăng mạnh số lượng và giá trị xuất khẩu, giữ vững thị trường trong nước, tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua tăng hàm lượng giá trị công nghiệp chế biến ở Việt Nam…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương cần có giải pháp duy trì cán cân thương mại xuất siêu và không để nhập siêu quay lại như dự báo mà Bộ này đưa ra ở mức dưới 2% (3 tỷ USD) trong năm 2019.
Nhấn mạnh đến vai trò phát triển thị trường, thúc đẩy xúc tiến thương mại, Thủ tướng Chính phủ nhắc Bộ Công thương không được chủ quan, thỏa mãn trong điều hành và phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đặt ra để tận dụng thời cơ và vận hội Cách mạng 4.0 đưa nền kinh tế bứt phá, đưa Việt nam trở thành công xưởng của thế giới, là địa bàn dịch chuyển đầu tư, thu hút được vốn của các tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương tiếp tục xử lý căn bản các vấn đề về xuất khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường với sự tham gia của các tham tán thương mại, đồng thời phải giữ vững được thị trường trong nước không để rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.
Việc phản ứng với chính sách, điều chỉnh chủ trương của Bộ Công thương phải thực hiện nhanh chóng, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công thương một cách thực chất, chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.
Năm 2018 được đánh giá là năm thành công của các lĩnh vực công nghiệp và thương mại cũng như ngành công thương nói chung trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công thương, bên cạnh các cơ hội mở ra từ việc thực thi các Hiệp định FTAs, đặc biệt là CPTPP bắt đầu đưa vào thực thi và tới đây là EVFTA, năm 2019 ngành công thương sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Công thương dự báo xuất siêu cao có thể khó duy trì trong năm 2019 do nhiều khó khăn về thị trường, diễn biến bất ổn của kinh tế thế giới khiến tăng trưởng có xu hướng giảm, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc cũng như xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, nguồn cung hàng hóa ngày càng nhiều dẫn tới sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Những tác động này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, năm nay nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.
Ngoài ra, dự báo trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA và các hiệp định lớn như CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường này.
Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới cán cân thương mại có thể đảo chiều đang từ xuất siêu sang nhập siêu.
“Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8-10% so với 2018. Trong khi đó, nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD”, Bộ Công thương dự báo.