Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương báo cáo một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương báo cáo một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc

Thủ tướng Chính phủ chứng kiến ký kết biên bản hợp tác tại Phú Yên

0:00 / 0:00
0:00
Những biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa doanh nghiệp và tỉnh Phú Yên đã được ký kết trên nhiều lĩnh vực dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ, ngành Trung ương.

Ngày 20/2, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh Phú Yên đã ký biên bản ghi nhớ với Vietjet. Theo biên bản này, trong thời gian tới, bên cạnh đường bay kết nối Hà Nội và TPHCM với Tuy Hoà, Vietjet cam kết tăng tần suất bay và khai thác thêm các đường bay cả trong nước và quốc tế đến Cảng hàng không Tuy Hoà, Phú Yên.

Tỉnh Phú Yên cũng ký hợp tác về tư vấn quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với sự tham gia của Công ty Roland Berger và Công ty Tư vấn quy hoạch đô thị Subana Jurong của Singapore...

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên. Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2020, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản ổn định và có mặt phát triển.

Nổi bật như, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 3,69% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 20.261 tỷ đồng, tăng 3,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu 180 triệu USD tăng 7,4%; thu ngân sách trên địa bàn 5.217,7 tỷ đồng, giảm 25% so cùng kỳ…

Năm 2021, mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7,35%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.635 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 22.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 210 triệu USD…

Để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về cơ chế đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa trong giai đoạn 2021-2025 bảo đảm công suất 5 triệu hành khách/năm; một số kiến nghị về cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển liên kết vùng giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, gồm bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên, đầu tư cảng Bãi Gốc; hỗ trợ kinh phí đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên nằm trong Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt...

Trước mong muốn của Thủ tướng được nghe ý kiến của các nhà đầu tư tư nhân, phát biểu tại cuộc làm việc, một số nhà đầu tư nêu rõ cam kết đầu tư lâu dài vào Phú Yên, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng; đề nghị tăng công suất, mở rộng Cảng hàng không Tuy Hòa để có thể đón thêm nhiều chuyến bay theo tinh thần xã hội hóa. Khi tỉnh xây dựng quy hoạch thì mời các nhà đầu tư đến góp ý; quy hoạch phải tạo liên kết vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương chứng kiến và tặng hoa các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ, thoả thuận với tỉnh Phú Yên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương chứng kiến và tặng hoa các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ, thoả thuận với tỉnh Phú Yên

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng nhắc lại cuộc xúc tiến đầu tư năm 2018 tại Phú Yên. Thủ tướng nói: “Tôi còn nhớ, tôi đưa ra tác phẩm của một người con Phú Yên, quê mẹ ở đây, có tên Phú Yên, miền sơn thủy bất tận, nói lên tiềm năng, lợi thế mà chính các tập đoàn lớn nghiên cứu về Phú Yên. Chúng ta phải nghiên cứu lợi thế so sánh này để phát triển trong thời gian tới”.

Ở miền Trung thì Phú Yên còn là một tỉnh khó khăn nhưng đang vươn lên mạnh mẽ với bước đi, cách làm đúng đắn, đặc biệt là có quyết tâm rất cao ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đó là tinh thần đáng khuyến khích, đang khen ngợi. Tỉnh đã phát hiện ra các vấn đề qua trọng như đi trước về quy hoạch, ứng dụng khoa học cong nghệ, cải cách môi trường đầu tư, đặc biệt là xin cơ chế phát triển chứ không chỉ xin hỗ trợ tiền để phát triển. Động lực phát triển của tỉnh hướng vào toàn dân cùng hưởng lợi, đặc biệt làm tốt công tác dân vận chính quyền để người dân ủng hộ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều quan trọng nhất với Phú Yên là tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển. Đây cũng là bài học cần rút ra đối với các địa phương còn nhiều khó khăn khác.

Còn nhiều thách thức mà tỉnh cần vượt lên, theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tư nhân cần nhanh chóng lớn mạnh, năng động hơn với sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, đặc biệt là ngành du lịch trong bối cảnh hậu COVID-19. Coi trọng kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực để kinh tế tư nhân phát triển là điều cần thiết. “Cái gì thuận lợi, cần ủng hộ cho tư nhân làm, Nhà nước không làm thì chúng ta tạo điều kiện”.

Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương là không chỉ chú trọng quy mô vốn, cần lưu tâm đến ý tưởng, tầm nhìn chiến lược của từng dự án cụ thể trong tổng thể chiến lược phát triển của tỉnh nhà, cho nên vấn đề quy hoạch, khớp nối để phát triển bền vững của tỉnh Phú Yên rất quan trọng. Cho nên không chỉ ở Phú Yên, Việt Nam đứng trước thời cơ lớn, liên tục có những chặng đua mới, những vạch đích mới liên tiếp không ngừng với nhiều khúc cạnh tranh, nhiều bước ngoặt, kể cả đối tác trong phát triển, trên con đường hiện thực hóa phồn vinh đất nước, một giai đoạn dài đến 2045. Trong giai đoạn ấy, chúng ta phải có quy hoạch phát triển đúng hướng để không bị lỗi lầm. Tốc độ phát triển phải cao hơn, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu.

Tin bài liên quan