Tín dụng tháng 7 giảm tốc, lãi suất cho vay đã giảm gần 1% so với cuối năm
Theo báo cáo của NHNN tại cuộc họp, trong 7 tháng năm 2024, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cảu nền kinh tế.
Đến ngày 31/7, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng trong tháng 7 giảm nhẹ 0,34%.
Tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, cần giải pháp đưa 15 triệu tỷ đồng tiền gửi vào sản xuất, kinh doanh
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, hoạt động ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ tốt sẽ tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng.
Thủ tướng đánh giá, tình hình thực tiễn thời gian qua cho thấy định hướng từ đầu năm của Chính phủ về "chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả" là cơ bản phù hợp và được NHNN tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kết hợp hài hòa với các chính sách khác về tài khóa, thương mại, đầu tư, bất động sản…, góp phần để chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới…
Cùng với đó, số tiền trong dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.
Thu hồi chỉ tiêu tín dụng của TCTD không sử dụng hết và bổ sung cho tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng, quản lý thị trường vàng một cách căn cơ
Xác định thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục bám sát diễn biến, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước; tìm ra, khai thác thời cơ và thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện theo Kết luận 64 của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023-2024; điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác.
Cụ thể, điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong thực hiện "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, giảm chi phí, chống tiêu cực, làm lợi cho người dân.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông rõ ràng, minh bạch về các sản phẩm của các tổ chức tín dụng, nâng cao hiểu biết của người dân. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, tăng cường công khai, minh bạch.
Thủ tướng hoan nghênh NHNN đề xuất tăng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140 nghìn tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi; yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.