Người dân mua hàng tại siêu thị ở London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 2/10, phát biểu trong ngày đầu tiên của hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh Liz Truss thừa nhận rằng bà đáng lẽ phải làm nhiều hơn để "đặt nền móng" cho kế hoạch thúc đẩy kinh tế đang gây tranh cãi.
Sau khi kế hoạch giảm thuế và trợ cấp năng lượng được công bố, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục và chi phí đi vay của chính phủ tăng cao. Tuy nhiên, bà Truss dường như vẫn đứng về phía "kế hoạch tăng trưởng" của mình - vốn bị các nhà đầu tư và nhiều nhà kinh tế chỉ trích vì dự chi hàng tỷ bảng Anh trong khi chưa đưa ra cách thức chi trả các khoản ngân sách này trong ngắn hạn.
Trả lời phỏng vấn của BBC, bà Truss khẳng định rằng đây là kế hoạch đúng đắn và dường như các nhà phê bình không nhận ra chiều sâu của các vấn đề mà nước Anh đang đối diện, và bà Truss lẽ ra phải làm nhiều hơn để giải thích về kế hoạch này.
Bà cho biết chính phủ của bà có một kế hoạch rõ ràng ở phía trước để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát, đưa nền kinh tế phát triển và để nước Anh có một vị thế tốt trong dài hạn.
Bà Truss không phủ nhận rằng kế hoạch ngân sách mới sẽ buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ công - điều mà một số nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ lo ngại sẽ khiến đảng này không được lòng cử tri trước cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo diễn ra vào năm 2024.
Jake Berry, Chủ tịch đảng Bảo thủ, cho rằng thị trường có thể đã phản ứng quá mức. Ông nói với Sky News: "Vì vậy, hãy xem thị trường sẽ như thế nào trong sáu tháng tới."
Chính phủ của Thủ tướng Truss đã công bố kế hoạch thúc đẩy kinh tế đầy tham vọng chỉ hai tuần sau khi bà Truss nhậm chức. Cụ thể, chương trình ngân sách mới đề xuất cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm, bao gồm bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (162.000 USD).
Việc cắt giảm thuế, cùng với kế hoạch hỗ trợ các hóa đơn năng lượng đang tăng lên của các hộ gia đình, sẽ đòi hỏi chính phủ phải vay thêm 72 tỷ bảng Anh (77,7 tỷ USD) chỉ trong sáu tháng tới.
Quy mô của kế hoạch này đã khiến thị trường tài chính "chao đảo," với đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp chưa từng thấy so với đồng USD. Sau đợt bán tháo lớn, đồng bảng Anh đã phục hồi sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) can thiệp khẩn cấp để ổn định thị trường giữa lo ngại về sự sụp đổ của quỹ hưu trí ở Anh.
Tuy vậy, chi phí đi vay của chính phủ vẫn cao hơn rõ rệt. Các nhà đầu tư cho rằng chính phủ Anh sẽ cần khôi phục lại niềm tin của thị trường.
Bên cạnh những phản ứng tiêu cực của thị trường, một số người trong đảng Bảo thủ cho rằng việc loại bỏ mức thuế thu nhập cao nhất 45% được nhìn nhận là giảm thuế cho người giàu, trong khi có ít nỗ lực cải thiện cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất.
Bà Truss cho biết, bà ủng hộ việc đơn giản hóa hệ thống thuế, nhưng quyết định về bãi bỏ mức thuế cao nhất đã được đưa ra bởi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Bà Truss cũng cho rằng các chính trị gia đã dành quá nhiều thời gian để lo lắng về việc các chính sách của họ được công chúng đón nhận như thế nào, đồng thời nhấn mạnh rằng bà đang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng.
Trước đó, trong một phát biểu, Bộ trưởng Kwarteng khẳng định vào tháng 11 tới, Bộ Tài chính sẽ công bố "kế hoạch tài khóa trung hạn," trong đó vạch ra lộ trình nhằm giảm hoạt động đi vay, cùng với "các quy tắc tài khóa mới và cam kết kỷ luật chi tiêu".