Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn là vấn đề các đối tác phát triển quan ngại

Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn là vấn đề các đối tác phát triển quan ngại

Thủ tướng: ADB cùng với một đối tác tư nhân muốn mua lại một ngân hàng yếu kém Việt Nam

(ĐTCK) Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, nhưng những chia sẻ của các đối tác phát triển tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) cho thấy vẫn còn nhiều lo ngại.

Nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại

Nhìn nhận về khu vực tài chính, ngân hàng, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ thông qua việc đưa ra một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt từ đầu năm nay…

Bước chuyển về chính sách này giúp cho các doanh nghiệp tư nhân có thể thích ứng và xử lý rủi ro tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như tăng cường dự trữ quốc tế trong bối cảnh bất ổn trên thế giới dự kiến vẫn còn kéo dài.

Tuy nhiên, ông Jonathan Dunn cho rằng, Chính phủ vẫn cần có những biện pháp tham vọng hơn trong việc củng cố các ngân hàng, bởi các ngân hàng lành mạnh là điều rất quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như là triển vọng cho khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh mạnh hơn.

Theo đó, ông Jonathan Dunn gợi ý, Chính phủ Việt Nam cần xem xét việc sử dụng quỹ công hay cổ phần hóa để tăng thêm vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước; phê chuẩn những thay đổi đã được đề xuất trong hệ thống pháp luật đối với ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để tạo điều kiện xử lý nợ xấu; thực hiện một khuôn khổ xử lý các ngân hàng yếu theo chuẩn quốc tế.

Còn theo đại diện Ngân hàng Thế giới, “các món nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều ngân hàng”.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã nhận định, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng theo báo cáo đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 2,7% tổng dư nợ, chủ yếu thông qua việc chuyển nợ xấu từ các ngân hàng thương mại cho VAMC. Nhưng với nguồn vốn có hạn và thiếu một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để giải quyết nợ xấu, cho đến cuối tháng 12 năm ngoái, công ty này mới chỉ bán lại hoặc thu hồi được khoảng 9% số nợ xấu đã mua về.

Tại Diễn đàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, năm 2016, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh tới thị trường thế giới vốn đang rất nhạy cảm và trong quá trình phục hồi không đồng đều…

Thực tế này đã đặt ra cơ hội cũng như thách thức mới cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2017 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức chờ đợi phía trước, thậm chí ngay từ cuối năm 2016 đã liên tục xuất hiện những diễn biến khó lường gây áp lực tới điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

“Gần đây xuất hiện những tin đồn thất thiệt, gây tâm lý hoang mang, mất ổn định kinh tế vĩ mô, xáo trộn trên thị trường vàng và ngoại tệ. Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định với các nhà tài trợ, đối tác phát triển Việt Nam những thông tin này là không chính xác và cần phải hết sức cảnh giác trước những thông tin sai lệch như vậy”, bà Hồng nói.

"Tôi xin tiết lộ với quý vị là ADB cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém"

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; đồng thời hiện đại hóa công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhằm nâng cao hiệu quả của ngành hướng tới các khuôn khổ và chuẩn mực quốc tế, xây dựng khoảng đệm chính sách để ứng phó kịp thời với những bất ổn và điều kiện tài chính thắt chặt trên thế giới, tạo môi trường tăng trưởng cao, ổn định và bền vững.

Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xác định là một quá trình thường xuyên và liên tục. Quá trình này phải mang tính kết nối và kế thừa các kết quả đạt được trước đây.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Dự thảo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng an toàn, vững mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở các nguyên tắc: thận trọng, từng bước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hạn chế chi phí và tổn thất xảy ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.

Theo đó, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong hoạt động tiền tệ của ngân hàng, củng cố phát triển các tổ chức tín dụng theo hướng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế…

“NHNN mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đồng hành của các đối tác phát triển về nguồn lực tài chính, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hỗ trợ nguồn lực phát triển, nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập và phát triển”, bà Hồng nhấn mạnh.

Kỳ vọng những hỗ trợ thực chất

Tới dự Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngành ngân hàng là hết sức quan trọng, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.

Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm; nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của VAMC, phát triển thị trường mua bán nợ; yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng cũng nêu vấn đề với Ngân hàng Thế giới (WB), cụ thể là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất.

“Tôi xin tiết lộ với quý vị là ADB cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém”, Thủ tướng nói.

Điểm đáng lưu ý trong Chiến lược đối tác mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, ADB cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tài trợ thương mại thông qua chương trình tài trợ thương mại, cân nhắc đầu tư vốn chủ sở hữu tại các ngân hàng.

Tin bài liên quan